Đề xuất siết quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của cá nhân sử dụng mạng xã hội có 500.000 người theo dõi, đăng ký.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.
Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải "có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm".
Tại dự thảo tờ trình, cơ quan soạn thảo cho rằng hoạt động quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội để truyền tải nội dung sai sự thật, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng gây tác động lớn đến xã hội. "Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng", cơ quan soạn thảo nêu.
Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, người nổi tiếng chưa chịu chế tài hoặc ràng buộc khi chuyển tải quảng cáo không đúng sự thật. Vì vậy, dự thảo hướng đến yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp.
Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa 13 thông qua tháng 6/2012, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung, phương tiện cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Thời gian qua, nhiều người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Tháng 9/2023, nghệ sĩ Cát Tường thừa nhận nói quá công dụng khi cho rằng một sản phẩm sữa có thể thay thế thuốc trị bệnh tiểu đường. Tháng 6/2021, nghệ sĩ Hồng Vân xin lỗi khán giả vì quảng cáo thổi phồng công dụng về viên sủi thảo dược. Tháng 7/2021, hoa hậu Mai Phương Thúy xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm giảm cân đã bị thu hồi giấy phép.