Hội chứng khiến nhiều người sao nhãng, uể oải cận Tết
Sắp Tết cũng là đợt cao điểm kinh doanh, dù lãnh đạo giao thêm nhiều nhiệm vụ nhưng Yến, 43 tuổi, cảm thấy khó tập trung, tâm trí chỉ nghĩ đến việc nghỉ Tết.
Nguyễn Hải Yến, hiện phụ trách marketing cho một doanh nghiệp, được giao nhiệm vụ hoàn thành báo cáo năm, chiến lược hoạt động và tài chính cho năm 2024, đánh giá nhân viên... cùng hàng chục đầu việc khác, nhưng chị luôn cảm thấy uể oải, chán nản.
Tâm trí người phụ nữ quay cuồng với việc sắm Tết và biếu quà cho người thân, đối tác như thế nào trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, các nguồn thu nhập bị giảm sút.
Không những vậy, là dâu trưởng của dòng họ, chị đóng vai trò quan trọng trong tổ chức các buổi gặp mặt, cỗ bàn cuối và đầu năm. "Chưa kể cứ định tập trung làm việc thì chị em lại nhắn tin buôn chuyện Tết hoặc tụ tập lựa quần áo, chọn nơi 'make up' cho tiệc tất niên của công ty, khiến tôi không thể tập trung công việc", Yến nói, thêm rằng mới đây chị bị cấp trên khiển trách vì tiến độ công việc chậm.
Tương tự, Hạnh, 30 tuổi, làm công việc thiết kế, được giao một loạt nhiệm vụ vào thời gian cao điểm, nhưng hầu như cô chỉ loay hoay mua sắm trực tuyến, lướt mạng để tìm ý tưởng trang trí nhà cửa của bản thân. Do sao nhãng công việc, mỗi lần gửi bản thiết kế cho cấp trên đều bị yêu cầu sửa lại do không đạt yêu cầu, khiến cô càng chán nản hơn.
Cả nhóm của Hạnh cũng có tâm lý chỉ muốn buông xuôi, nhiều người cuối năm như bị cạn sức lực, núi việc chất đống nhưng không có động lực. "Khi sếp càng giục chỉ càng làm chúng tôi mệt mỏi thêm, chỉ muốn nghỉ ngơi", Hạnh nói.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết đây gọi là "Holiday Click-off" - hiện tượng bồn chồn, háo hức trước kỳ nghỉ lễ Tết. Khi Tết càng đến gần, những kế hoạch mua sắm, biếu quà, lương thưởng, trả nợ, đầu tư... càng khiến tâm trạng nhiều người nôn nao, khó tập trung, dẫn đến hiệu suất làm việc giảm sút.
Đa phần mọi người dành nhiều thời gian để nghĩ về Tết và hoạt động đón Tết hơn là thực sự quan tâm đến công việc. Lúc này, não sẽ đưa ra quyết định khiến mọi tư duy công việc rơi vào trạng thái trì hoãn, ì ạch với nhiều khoảng lặng xen kẽ trong giờ làm.
Một số khác lại đơn thuần cảm thấy mệt mỏi sau một năm lao động, muốn "dẹp bỏ" công việc sang một bên nên cần được nghỉ ngơi. Còn một nhóm khác bị giao quá nhiều việc, sinh ra tâm lý căng thẳng, không thể tập trung hoàn thành, điều này khiến họ mất tập trung, kém hứng khởi, sinh tâm lý chán nản và càng mong đợi Tết hơn.
Holiday Click-off có thể được xem là một hiện tượng toàn cầu. Khảo sát của Peakon trên 12.000 dân văn phòng Mỹ, Anh và Đức cho thấy hơn 50% nhân sự Mỹ trước kỳ nghỉ Giáng sinh - năm mới bắt đầu mất tập trung làm việc từ hai tuần trước lễ. Trong khi nhân sự Anh "cố thủ" thêm được 3 ngày và bắt đầu giảm hiệu suất từ ngày 18/12. Khảo sát này cũng cho thấy nhân sự trẻ, đặc biệt là Gen Z có khả năng "bật chế độ" ăn chơi sớm hơn các nhân sự lớn tuổi.
Cảm giác này tưởng chừng như vô hại nhưng nếu để kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc cũng như khả năng thăng tiến, từ đó góp phần ảnh hưởng tài chính, sức khỏe bản thân.
Để khắc phục hội chứng này, bác sĩ Thu khuyên mọi người nên dọn dẹp không gian làm việc ngăn nắp, gọn gàng. Đây là một trong các yếu tố truyền cảm hứng, tạo động lực để hoàn thành tốt công việc. Lưu ý, không nên để đồ ăn xuất hiện trong tầm mắt bởi chúng có thể gây cám dỗ khiến bạn sao nhãng. Thay vào đó, hãy đặt một chai nước nhỏ trên bàn để bổ sung đủ nước, tăng cường năng lượng, giúp cơ thể tỉnh táo.
Những phút nghỉ giải lao là nhu cầu cực kỳ cần thiết để cảm thấy sảng khoái, tránh kiệt sức. Điều này tác động tích cực đến sự tập trung cũng như năng suất làm việc, đặc biệt khi ta đang "mắc kẹt" trong một ý tưởng hay vấn đề nào đó.
Một phương pháp được nhiều người áp dụng là kỹ thuật quản lý thời gian 25/5, tức cứ 25 phút làm việc, bạn nên dành 5 phút nghỉ ngơi. Sau 4 lần, bạn có thể nghỉ ngơi lâu hơn, khoảng 20 phút. Trong thời gian này, hãy tranh thủ tận hưởng bằng cách di chuyển, vận động, sáng tạo, giao lưu để cơ thể, tâm trí được thả lỏng và tái tạo năng lượng. Khi trở lại làm việc, bạn sẽ có hứng khởi giải quyết các nhiệm vụ tiếp theo.
Bạn cũng không nên làm việc sau giờ hành chính mà nên dành thời gian cho gia đình, đây là cách nạp năng lượng tốt nhất. Cùng với đó, lập kế hoạch công việc cần, phân chia thời gian hợp lý và nên chia sẻ công việc cho người khác nếu quá tải. Đơn cử như kỹ thuật lập danh sách "to do list" trong ngày, ghi rõ những việc quan trọng cần giải quyết sớm, những việc có thể trì hoãn.
Cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc độ tích cực hơn như việc nhìn vào những điều tích cực mà kỳ nghỉ lễ mang lại. Nếu cảm thấy căng thẳng quá mức, ảnh hưởng cuộc sống, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.
"Không ai hoàn hảo cả, stress trước kỳ nghỉ lễ là điều bình thường, quan trọng là biết cách quản lý và tận hưởng thời gian này một cách thoải mái nhất có thể", bà Thu nói.