Du lịch

Làm gì để khai thác tốt điểm du lịch phường rối nước Hồng Phong?

LÊ HƯƠNG 14/01/2024 15:01

Phường rối nước Hồng Phong là 1 trong 3 địa chỉ của huyện Ninh Giang (Hải Dương) vừa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế điểm du lịch này.

img_3469(1).jpg
Tiết mục "chọi trâu" của phường rối nước Hồng Phong được du khách nước ngoài thích thú

Mở ra nhiều cơ hội

Tay thoăn thoắt chọn các con rối, chuẩn bị đón đoàn khách Đức tới tham quan, ông Phạm Văn Tòng, Trưởng Phường rối nước Hồng Phong, xã Hồng Phong phấn khởi nói về việc phường vừa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh: “Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội để phường múa rối nước Hồng Phong phát triển, vươn xa”.

Trước đây, chủ yếu khách du lịch tìm đến phường rối nước Hồng Phong thông qua các công ty lữ hành. Việc công nhận điểm du lịch này góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh. Đây cũng là điểm quan trọng giúp tour tuyến du lịch về Ninh Giang (phường múa rối nước Hồng Phong - đền Tranh - đình Trịnh Xuyên - đền Khúc Thừa Dụ) có sự kết nối bền chặt hơn.

Ngoài ra, được công nhận là điểm du lịch của tỉnh còn giúp phường rối nước Hồng Phong thu hút sự quan tâm đầu tư và mở ra hướng phát triển mới, đồng bộ. Không chỉ nâng tầm văn hóa phi vật thể là nghệ thuật múa rối nước, quảng bá cho di sản văn hóa vật thể là đình Đông của làng Bồ Dương mà còn tạo cơ hội phát triển các dịch vụ trải nghiệm phụ trợ khác như: cấy cày, câu cá, dệt vải… Khi tiềm năng du lịch được khai thác tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

“Việc phường rối nước Hồng Phong được công nhận là điểm du lịch của tỉnh rất phù hợp với nguyện vọng của các thành viên trong phường. Đây cũng là sự ghi nhận, động viên những nỗ lực của chúng tôi trong việc khôi phục, gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông suốt thời gian qua”, ông Tòng cho biết thêm.

Những việc cần làm

Điểm du lịch phường rối nước Hồng Phong rộng 3.247 m², gồm khu vực ao, nhà thủy đình, nhà văn hóa và nhà trưng bày con rối, đình Bồ Dương, hội tụ đầy đủ những yếu tố, nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam xưa.

roi-nuoc-2.jpg
Đình Đông (còn gọi là đình Bồ Dương) lưu giữ nhiều vết tích về lịch sử ra đời của nghệ thuật rối nước Hồng Phong

Đánh thức những tiềm năng của điểm du lịch này không nằm ngoài việc lấy nghệ thuật múa rối nước làm giá trị cốt lõi. Trước hết, chính những người trong nghề, các nghệ nhân của phường rối nước Hồng Phong cần không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn. Các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội giao lưu học hỏi cho các thành viên của phường. Trong nghệ thuật múa rối nước, có 4 lĩnh vực cần được truyền nghề, nếu không sẽ thất truyền. Đó là, tạo tác con rối, không phải ai làm nghề mộc cũng biết làm con rối, phải hiểu về rối nước mới làm được; điều khiển con rối; bộ phận thuyết minh, hát, nhạc; hệ thống tạo khói lửa. Vì vậy, cần động viên các thế hệ đi trước truyền nghề cho thế hệ sau, tạo ra lớp nguồn kế cận để giữ gìn nghệ thuật truyền thống này.

Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho rằng: “Kinh nghiệm làm du lịch ở nhiều nơi, muốn phát triển du lịch cần gắn điểm du lịch với những câu chuyện hấp dẫn du khách”.

Theo các cụ cao niên và những nghệ nhân của phường rối nước Hồng Phong, múa rối nước làng Bồ Dương (nay là Hồng Phong) có từ thế kỷ 17 hoặc sớm hơn. Bằng chứng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Đông nằm ngay ở khuôn viên phường rối nước Hồng Phong (được xây dựng từ thế kỷ 17) vẫn còn các bức chạm khắc hình ảnh của nghệ thuật múa rối nước. Điều đó chứng tỏ, múa rối nước Hồng Phong đã có từ rất sớm, trước khi ngôi đình được xây dựng. Nó ăn sâu vào máu thịt, tiềm thức của người dân nên đã trở thành biểu tượng văn hóa, được thể hiện trên các bức chạm khắc ở đình như vậy. Cùng với đó, cái hay của múa rối nước ở đây xuất phát từ nông nghiệp, gắn với người nông dân. Rối nước phản ánh đời sống sinh hoạt từ sản xuất, lễ hội, phong tục… và do nông dân sáng tạo ra, trực tiếp biểu diễn. Nông dân chân lấm tay bùn, sau lao động họ lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ… “Đây là những điểm nhấn và hồn cốt để xây dựng câu chuyện cuốn hút, hấp dẫn du khách, đặc biệt khách nước ngoài về sự ra đời, phát triển của múa rối nước Hồng Phong”, ông Vạn nói.

roi-nuoc-3.jpg
Khu vực nhà trưng bày con rối thu hút nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan (ảnh cơ sở cung cấp)

Trước đây, vai trò quản lý của UBND xã Hồng Phong đối với phường rối chưa thật rõ nét. Chương trình biểu diễn, hoạt động do các thành viên phường rối tự đảm nhiệm. Đến nay, phường rối nước trở thành điểm du lịch, vai trò quản lý của UBND xã Hồng Phong phải được tăng cường để hoạt động nền nếp, bài bản, có tổ chức và chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, việc quảng bá cần rộng rãi và nâng tầm như thành lập website riêng của phường rối nước Hồng Phong, tận dụng các nền tảng mạng xã hội; tạo mã QR check thông tin về di tích, múa rối nước bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh. Tại điểm du lịch, cần bổ sung thuyết minh viên phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Về lâu dài, cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở rộng đường, bãi đỗ xe, khu vực hàng quán lưu niệm. Phường múa rối nước Hồng Phong đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đang hoàn thiện tiêu chí về bộ nhận diện thương hiệu để được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

LÊ HƯƠNG