"Phố công nhân" Lê Xá
Gần 20 năm trước, khu công nghiệp Phúc Điền ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) hình thành cũng là lúc Lê Xá đón những công nhân đầu tiên về làng. Cuộc sống mang dáng dấp phố thị cũng dần hình thành.
Làng ngỡ phố
“20 năm trước, vào làng Lê Xá tầm 8-9 giờ tối đã im ắng. Nhà nào, nhà nấy cửa đóng, then cài đi ngủ sớm. Vậy mà giờ đây quá nửa đêm làng vẫn sáng ánh đèn. Đường vào làng tấp nập người qua lại. Những cửa hàng, quán ăn mọc lên san sát”, ông Trịnh Đình Dậy, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lê Xá giới thiệu. Ông Dậy cho biết khi khu công nghiệp Phúc Điền hình thành cũng là lúc Lê Xá đón những công nhân từ nhiều nơi khác nhau trong và ngoài tỉnh về đây an cư, lạc nghiệp và "phố công nhân" cũng dần hình thành từ đó.
Ở làng Lê Xá hiện còn ít người làm nông nghiệp. Gần 90% số dân trong làng buôn bán và làm dịch vụ. Những thửa ruộng dần nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp thì người dân Lê Xá cũng không còn chân lấm, tay bùn mà họ trở thành những tiểu thương thực thụ.
Tranh thủ lúc công nhân chưa tan ca, chị Vũ Thị Lý, chủ sạp hoa quả lớn nhất nhì làng Lê Xá sắp xếp lại quầy hàng, bày biện từng kệ hoa quả lớn, nhỏ chuẩn bị cho giờ bán hàng bận rộn nhất trong ngày. Chị Lý cho biết ngày xưa còn làm ruộng bận cả ngày thì nay chỉ tất bật từ 16 giờ tới 20 - 21 giờ. Đây là lúc công nhân tan ca về. Chị Lý bỏ ruộng, buôn bán hoa quả đã hơn 17 năm nên giờ không còn bị nứt gót, thối móng mà chị sơn móng chân, móng tay, da dẻ cũng đẹp hơn. “Điều quan trọng là không phải một nắng, hai sương ngoài đồng mà thu nhập cao hơn hẳn”, chị Lý nói.
Thu nhập cao hơn hẳn mà chị Lý chia sẻ được minh chứng qua thu nhập bình quân đầu người của Lê Xá năm 2023 đạt gần 80 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (của tỉnh hơn 60 triệu đồng/người) và cũng là thôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất xã. Sự thay đổi từ làng lên phố ở Lê Xá rõ nét nhất hơn chục năm nay.
Nếu như 19 năm trước, cả làng Lê Xá chỉ có 1-2 quán tạp hóa thì hiện đã có hơn 100 cửa hàng. Nhiều cửa hàng buôn may, bán đắt đầu tư hệ thống kho kệ chẳng khác nào siêu thị. Chị Nguyễn Thị Tươi, một người dân Lê Xá cho biết: “Nếu trước kia gần Tết tôi phải đưa con sang tận chợ Ghẽ ở xã Tân Trường mua sắm quần áo, giày dép mới thì nay trong làng thứ gì cũng có. Chỉ cần ra khỏi cổng là có thể mua được hàng hóa”.
Làng Lê Xá cũng là nơi có mật độ công nhân, người lao động sinh sống đông nhất nhì tỉnh hiện nay. Theo ông Vũ Mạnh Huy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc, Lê Xá hiện có khoảng 400 hộ với 2.000 nhân khẩu thì số công nhân, lao động đang ở trọ tại đây nhiều gấp 3 lần. Lê Xá cũng là nơi có nhiều nhà trọ công nhân nhất huyện Cẩm Giàng.
Ông Nguyễn Viết Bằng, chủ của gần 20 nhà trọ khẳng định: “Nhiều người gọi Lê Xá là "phố công nhân" không sai bởi vào làng từ sáng sớm cho đến chiều tối đều cảm nhận được không khí tấp nập, nhộn nhịp ở đây. Chỉ vài chục mét đường vào làng mà có tới hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu. Buổi tối, từ trên cầu vượt Phúc Điền nhìn xuống cả làng Lê Xá rực sáng ánh đèn. Cuộc sống phố thị ở Lê Xá không chỉ thể hiện ở thu nhập của người dân ngày càng tăng lên mà nhịp sống cũng trở nên hối hả hơn”.
Công nhân đến ở đông, ngoài dịch vụ, thương mại phát triển, còn có gia đình ở Lê Xá mở nhà trẻ tư thục. Các cơ sở mẫu giáo tư thục lập ra để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân. Ngoài điểm trường mầm non công lập của xã thì riêng thôn Lê Xá có tới 2 Trường Mầm non tư thục Sao Mai và Hoa sữa.
Từ khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội) về Lê Xá thuê trọ, làm việc tại Công ty TNHH Fuji Việt Nam, chị Nguyễn Thị Ngát không thấy sự khác biệt giữa làng Lê Xá và phường Sài Đồng, nơi chị thuê trọ trước kia. Chị Ngát cho biết: “Lê Xá giống như một khu phố thực thụ. Ở đây dịch vụ gì cũng có từ ăn uống, làm đẹp cho đến rửa xe, tư vấn tài chính”.
Từ những nông dân chân lấm tay bùn, giờ đây người dân Lê Xá thạo kinh doanh, buôn bán chẳng kém gì người dân thành phố. Họ rành các mối lấy hàng từ các doanh nghiệp lớn, mua tận gốc, bán giá rẻ cho công nhân. Nhiều gia đình nhờ công nhân mà làm ăn phát đạt có tiền xây nhà, mua xe, thậm chí tậu thêm vài mảnh đất trong khu đô thị Ghẽ ở xã Tân Trường gần đó.
Nhiều thách thức
Sự phát triển của khu công nghiệp Phúc Điền cùng với số lượng công nhân, người lao động về Lê Xá thuê trọ ngày càng nhiều đã giúp cho hàng trăm hộ dân nơi đây được hưởng lợi từ kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, vui chơi, giải trí, cho thuê nhà trọ, nhà nghỉ… Thế nhưng được nhiều thì lo cũng không ít. Lê Xá có lúc ngột ngạt bởi áp lực dân số đông, tệ nạn xã hội bủa vây. Hệ thống giao thông và các công trình công cộng có thời điểm quá tải. Vào đầu giờ sáng, dễ thấy cảnh đường vào làng rộng chừng 3 m ken kín công nhân, lao động đi làm. Cuộc sống hối hả, vội vã khiến cuộc sống người dân nơi đây cũng bí bách, khó chịu và nhất là cảnh ô nhiễm tiếng ồn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn năm nay ngoài 80 tuổi cho biết gần 20 năm trước làng quê Lê Xá yên bình, sớm thức dậy có thể nghe tiếng chim hót, gà gáy. Nay thay vào đó là tiếng còi xe inh ỏi của công nhân đi làm, thậm chí nửa đêm vẫn còn tiếng nhạc xập xình của các quán ăn, nhà hàng… “Sự thay đổi ở Lê Xá đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân nhưng đổi lại chúng tôi cũng phải đối diện với những mặt trái của sự đổi thay này”, ông Tuấn nói.
Khi dân số cơ học tăng nhanh, nhất là ngày càng nhiều công nhân về thuê trọ thì tệ nạn xã hội và tình hình an ninh trật tự cũng là vấn đề khiến chính quyền xã Cẩm Phúc đau đầu. Những vụ trộm cắp, ma túy tại các khu nhà trọ ở đây xuất hiện nhiều hơn. Cuối tháng 12 vừa qua, tại khu nhà trọ của ông Hồ Văn Dinh ở làng Lê Xá, lực lượng Công an xã Cẩm Phúc đã bắt quả tang 4 đối tượng ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) tàng trữ và cung cấp trái phép ma túy cho công nhân nhà trọ. Trước đó, nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy và trộm cắp tài sản, chứa mại dâm cũng lần lượt được Công an xã Cẩm Phúc và huyện Cẩm Giàng phát hiện, triệt phá.
Diện tích nhỏ trong khi mật độ dân số đông khiến lượng nước thải, rác thải ở Lê Xá cũng nhiều hơn gấp nhiều lần so với trước. Sự ngột ngạt, bí bách tăng lên mỗi khi vào hè. Sức nóng của những mái nhà san sát nhau, của những cục nóng điều hòa phả ra liên tục trong khi lượng cây xanh ít ỏi khiến không khí trong làng thêm ngột ngạt.
Đối diện với những thách thức này, xã Cẩm Phúc đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ làng Lê Xá. Xã đã sớm thành lập mô hình "Doanh nghiệp và nhà trọ an toàn về an ninh trật tự" để nắm bắt tình hình, gìn giữ an ninh trật tự. Xác định đây là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự nên việc kiểm tra, kiểm soát, nắm vững thông tin được thực hiện thường xuyên. Nhiều chủ nhà trọ tại Lê Xá cũng thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, xây dựng tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy…
Làng Lê Xá sẽ ngày càng sôi động khi dư địa phát triển của khu công nghiệp Phúc Điền còn nhiều. Công nhân trọ ở Lê Xá cũng như nhiều nơi khác của xã Cẩm Phúc còn tiếp tục tăng khi các khu nhà ở xã hội tại đây chưa hình thành. Bộ mặt nông thôn thay đổi ở Lê Xá là minh chứng cho những tác động của công nghiệp về làng.