Chuyển đổi số

Ngành giáo dục Hải Dương sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu

PV 12/01/2024 06:00

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương đang sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành để quản lý trường học bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức.

thay-tuong.jpg
Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Lực (Ninh Giang) Nguyễn Hữu Tường nhận xét cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo là công cụ hiệu quả, sử dụng được trên nhiều thiết bị

Đồng thuận

Từ năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã triển khai tích hợp nghiệp vụ quản lý trường học trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo (cơ sở dữ liệu ngành) và thống nhất chỉ sử dụng phần mềm này ở tất cả các trường trong tỉnh từ bậc mầm non đến THPT. Thầy giáo Nguyễn Hữu Tường, Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Lực (Ninh Giang) cho biết hệ thống cơ sở dữ liệu ngành quản lý toàn diện như hồ sơ trường, cán bộ, giáo viên, học sinh; quản lý chuyên môn, điểm, đánh giá xếp loại, tốt nghiệp và các báo cáo. "Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được đưa vào sử dụng từ năm học 2018-2019, nhưng khi đó chỉ gồm dữ liệu đơn thuần để hỗ trợ công tác báo cáo. Đến nay khi được tích hợp các nghiệp vụ quản lý khiến công cụ này trở nên hiệu quả, sử dụng được trên nhiều thiết bị", ông Tường nói.

Những năm học trước, các trường phải sử dụng đồng thời 2 hệ thống là cơ sở dữ liệu ngành và phần mềm quản lý trường học với chức năng riêng. Cô giáo Đỗ Thị Du, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yết Kiêu (Gia Lộc) cho biết trường có số lượng học sinh khá đông với tổng số 22 lớp và gần 680 học sinh. Mặc dù 2 hệ thống đều lưu trữ thông tin về trường lớp, học sinh và được đồng bộ nhưng xảy ra độ trễ, dữ liệu có sự vênh lệch, giáo viên mất nhiều thời gian thao tác trên cả 2 phần mềm để chỉnh sửa, nhập dữ liệu phục vụ công tác báo cáo. Việc chỉ còn dùng duy nhất 1 phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giúp giảm thời gian và áp lực cho giáo viên. Ngoài có giao diện thân thiện, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành khá thông minh trong việc nhập điểm học sinh, đánh giá xếp loại và kết xuất dữ liệu theo biểu mẫu thuận tiện, nhanh chóng.

csdl111.jpg
Giao diện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương

Điểm mạnh của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành là dữ liệu được cập nhật liên tục và liên thông từ nhà trường đến các cấp quản lý của ngành. Ông Hoàng Minh Đức, chuyên viên quản lý tiểu học (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang) cho biết: "Phần mềm phục vụ tốt công tác quản lý. Ngoài định kỳ cung cấp báo cáo, bất kể lúc nào đăng nhập hệ thống chúng tôi cũng nắm được tình hình tại các trường trong huyện. Đặc biệt khi các trường có biến động học sinh chuyển đến, chuyển đi, chúng tôi đều nắm được ngay vì nhà trường bắt buộc phải nhập thông tin học sinh đó lên phần mềm thì mới có thể xếp lớp được".

Bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"

Mặc dù đa số người dùng đánh giá cao hiệu quả phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, nhưng cũng có nhiều giáo viên gặp khó khăn khi mới sử dụng do một số chức năng trên phần mềm này phải thực hiện nhiều thao tác. Tất cả giáo án, kế hoạch của giáo viên trước khi nộp phải đổi sang định dạng PDF để không thay đổi phông chữ, mất hình ảnh minh họa, khung cột. Đối với các giáo viên lớn tuổi là tổ trưởng chuyên môn, cán bộ quản lý phải ký duyệt điện tử thường gặp khó khăn trong chèn chữ ký, đóng dấu duyệt giáo án và kế hoạch.

co-do-thi-du.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yết Kiêu (Gia Lộc) Đỗ Thị Du cho rằng việc chỉ dùng duy nhất 1 phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo giúp giảm thời gian và áp lực cho giáo viên

Cô giáo Đỗ Thị Du, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yết Kiêu cho biết thêm, trong quá trình ký duyệt giấy tờ đã số hóa trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, nếu có sự thay đổi, chỉnh sửa, người tham gia ký duyệt phải truy cập vào hệ thống hủy chữ ký của mình. Khi đó người nộp mới có thể chỉnh sửa và trình ký duyệt lại từ đầu. "Để khắc phục tình trạng này, hiện nay các trường tạm lưu văn bản trên Google Drive, các giáo viên chỉ gửi một lần lên đó, sau khi không còn chỉnh sửa gì mới nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu ngành trình ký duyệt", cô Du chia sẻ.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương) cho biết hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được trang bị miễn phí. Thông tin trong phần mềm này được sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục. Hiện cơ sở dữ liệu ngành ở Hải Dương đã kết nối, chia sẻ với nhiều hệ thống dữ liệu và ứng dụng. Trong đó, trên 98% hồ sơ giáo viên, học sinh của tỉnh đã đồng bộ, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối tự động dữ liệu báo cáo với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hệ thống thi tuyển sinh lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT...

Để phát huy hiệu quả hơn nữa, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành cần tiếp tục được nâng cấp, tinh chỉnh, giảm thao tác cho người dùng, tích hợp thêm các chức năng như quản lý cơ sở vật chất trường lớp, tối ưu hệ thống bảo đảm tốc độ truy cập, xử lý dữ liệu. Các cấp quản lý và các nhà trường thường xuyên làm giàu dữ liệu, cập nhật dữ liệu theo thời gian thực để bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.

PV