Góc nhìn

Ứng phó kịp thời thách thức

TB (tổng hợp) 10/01/2024 07:42

Tiếp tục chính sách nghịch chu kỳ đang tạo ra những kỳ vọng tích cực cho nền kinh Việt Nam trong năm 2024 và xa hơn nữa.

Chi đầu tư công là điểm sáng nhất trong năm 2023. Trong ảnh: Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa được khánh thành và nút giao thông An Phú đang xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chi đầu tư công là điểm sáng nhất trong năm 2023

Năm 2023 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo cập nhật gần nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam chỉ thấp hơn Ấn Độ và Philippines.

Chi đầu tư công là điểm sáng nhất trong năm 2023. Khoản chi này, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vừa có tác dụng tức thì, vừa là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo, cho dù cuối năm tổng kết lại con số giải ngân vẫn chưa đạt được như Chính phủ mong muốn.

Việc tiếp tục tập trung vào đầu tư công sẽ tạo ra những kết quả tích cực. Ngay ngày đầu năm mới 2024, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ và khởi công hàng loạt dự án giao thông lớn.

Xuất siêu đóng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP năm 2023 cho dù cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm.

Điểm tích cực là mức tăng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đã được cải thiện qua từng quý. Các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước (nhất là gỡ khó cho thị trường bất động sản) và thúc đẩy ngoại thương đã được đưa ra.

Khi kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn, như thường lệ, chính sách nghịch chu kỳ (Nhà nước mạnh tay chi tiêu và mở rộng tín dụng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế) đang phát huy tác dụng.

Tiếp tục chính sách nghịch chu kỳ đang tạo ra những kỳ vọng tích cực cho nền kinh Việt Nam trong năm 2024 và xa hơn nữa.

Ở góc độ tiền tệ, hôm 5/1, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu bơm vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỉ đồng (tăng trưởng tín dụng 15%). Đây là một động lực tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Hơn vậy, việc đưa ra tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ngay từ đầu năm phát đi thông điệp rõ ràng rằng áp lực lạm phát hiện tại của Việt Nam là không nhiều. Cộng với khả năng giảm lãi suất của Mỹ và các nước khác thì năm 2024 có thể sẽ "dễ thở" đối với tiền tệ và tín dụng.

Với sự sẵn có của nguồn vốn và tình hình lạc quan hơn, các doanh nghiệp có thể chủ động hơn cho các hoạt động kinh doanh của mình và người dân có thể yên tâm hơn cho cuộc sống.

Trên đây là những tín hiệu tích cực. Nhìn lại một năm và hướng sang năm mới 2024, có những tín hiệu lạc quan và điểm tựa về niềm tin rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ "dễ thở" hơn trong năm mới.

Tuy nhiên, những vấn đề về địa chính trị thế giới, các điểm nóng xung đột vẫn đang rất phức tạp. Thêm vào đó, mức giá vừa đột ngột gia tăng ở châu Âu làm cho kịch bản cắt giảm lãi suất tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế của các nước sẽ ít xảy ra hơn.

Đối với các vấn đề trong nước, những khó khăn của ngành bất động sản cho thấy chưa thể giải quyết ngay, những tiềm ẩn rủi ro của hệ thống tài chính ngân hàng vẫn còn đó và sức đề kháng cũng như khả năng phục hồi của các doanh nghiệp đang ở vùng đáy.

Thêm vào nữa là tâm lý không tích cực trong chi tiêu của người dân và thu nhập của nhóm hộ gia đình thấp nhất đã giảm đáng kể sau đại dịch COVID-19 cũng là những thách thức rất lớn.

Trong tình hình đó, ở khu vực công, thật khó để thúc đẩy trong ngày một ngày hai tinh thần dám nghĩ, dám làm, giải quyết bằng được các khó khăn, vướng mắc do tâm lý sợ sai của cán bộ công chức vốn đã kéo dài thời gian qua...

Nhận diện và tìm cách giải quyết được những thách thức trên sẽ quyết định việc triển khai các chính sách nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024 này.

TB (tổng hợp)