Ngổn ngang nỗi niềm làng quê trong "Ngôi mộ đá"
Đọc tập truyện ngắn "Ngôi mộ đá" của tác giả Nguyễn Thanh Hải ta cảm nhận rõ ngổn ngang nỗi niềm làng quê.
Trong sáng tác văn học nghệ thuật, tuy mục đích có thể giống nhau, nếu xét về hiệu quả nghệ thuật, nhưng xuất phát của mỗi người lại không giống nhau, có người sớm có người muộn. So với những người phát lộ sớm thì Nguyễn Thanh Hải hơi muộn. Do nhiều lý do khách quan, Thanh Hải chưa đủ tự tin để dấn thân, mặc dù văn học cứ bảng lảng trong đầu với đời sống thường ngày, và ngay từ thời học phổ thông chị đã rất yêu văn chương.
Được sự động viên của bạn bè, chị mạnh dạn đến với văn thơ. Chị đã có 5 tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành và nhiều ca khúc tự sáng tác, với quan niệm nhà văn phải kiếm sống để viết, chứ không phải viết để kiếm sống. Có ý thức phấn đấu vươn lên, chị đã là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
Quê là vùng thẩm mỹ cho sáng tác văn học nghệ thuật. Với chiêm nghiệm cuộc sống hiện tại xảy ra ở miền quê dãi dầu mưa nắng. Biết bao chuyện buồn vui mỗi ngày. Va chạm với những hình ảnh đi về, ẩn hiện trong cõi thực, cõi mơ. Gom góp những được thua, mất còn, ngổn ngang sự kiện. Để giãi bày cõi thăm thẳm của lòng người, là cái cớ để Thanh Hải cho ra mắt tập truyện ngắn "Ngôi mộ đá" gồm 15 truyện, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản tháng 10/2023.
Tập truyện là tiếng lòng của người sống hiện tại mà không quên quá khứ, tri ân làng quê và làm quà bè bạn. 15 truyện là từng tác phẩm riêng rẽ mà không nhàm chán, không bị phân tán, không bị tan loãng mạch chủ của toàn tập. Thanh Hải đã kiên trì thầm lặng đọc của thiên hạ để tự định hình và nâng bút pháp của mình. Thời gian cho sự chiêm nghiệm, chiêm nghiệm sâu thì thành triết lý. Triết lý trộn hòa xúc cảm để hiểu đời, chia sẻ với đời qua những thương đau.
Truyện "Ngôi mộ đá" đã lột tả thân phận một "cô gái điên" từng chịu quá nhiều mất mát, đồng thời nói lên cái hoang tưởng của lão Hơn. Qua đó đánh thức mọi người đừng đi vào vết xe đổ của tham vọng, ảo tưởng, viển vông. Thời gian, sự tàn phá của con người, được nói ra bằng những lời chua chát mà đằng sau là bao nhiêu xa xót. Người đã không có bản lĩnh, thường kéo theo cuộc đời tuột dốc không có điểm dừng. Trước mớ bòng bong của cuộc sống, nhắc nhở mọi người đứng lên tự cứu mình, làm lại ngay từ nơi đã ngã, vượt qua số phận, đừng để như Phương trong truyện "Con đĩ".
Tình yêu là gì, mà ai đó đều mơ hồ không định nghĩa được rõ ràng. Để rồi bao nhiêu phiền muộn, trắc trở không ai lý giải được. Tác giả cho ta thấy những sâu xa trong tình yêu của con người. Những hy sinh để đến với nhau, nhưng nhiều lý do ngăn cản, họ vẫn tồn tại trong trái tim như mối tình của Trọng và Trúc ở truyện "Bước đến". Truyện "Đàn bà không con", xây dựng hình tượng người đàn bà chịu đựng, mang đức tính của người phụ nữ Việt Nam mà ta thường thấy. Sự hy sinh của Thảo đã cho mọi người thấy được mâu thuẫn éo le trong cuộc sống. Lòng tốt đã được đền đáp với cái kết thật nhân văn, làm ấm lại tình người, tình đời với niềm tin cuộc sống còn nhiều tốt lành.
Cũng như "Đàn bà không con" ở "Người hát dạo" bao nhiêu tình tiết trắc trở, nhưng nhân hậu mãi tồn tại trên cõi đời này. Truyện "Con đường phía trước" đặt vấn đề so sánh, để thấy được quá khứ và hiện tại. Đâu đó vẫn còn cảnh như bà Bắc, nhắc nhở ta cần quan tâm hơn nữa đến những người đã ngã xuống cho đất nước hôm nay. "Được mất" là truyện hay, súc tích và ngổn ngang sự kiện. Nỗi oan của lão Nết thật khó giãi bày, cây ngay vẫn bị chết đứng. Để rồi, cái mất ấy lại cho lão cái được. Đời là vậy, vẫn còn tồn tại có cái sống để dạ chết mang theo. Bây giờ thời kỳ đất đai lên ngôi, biết bao chuyện đau lòng xảy ra. Anh em đâm chém lẫn nhau, bố con từ mặt. Ở truyện "Bức tường" đã nói được lòng nhân từ, cao thượng, đánh thức tiềm ẩn của sự kiên trì và lòng bao dung, được thể hiện qua sự tự cảm hóa của lão Vọng.
Lại một cuộc tình say đắm phức tạp trong truyện "Dã quỳ", phải chăng tình yêu muôn hình muôn vẻ. Tình yêu chân thành nó vượt qua mọi cám dỗ vật chất và lọc lừa. Tình làng nghĩa xóm được tác giả thể hiện qua truyện "Người làng". Truyện cho ta thấy, làng quê cũng vô cùng phức tạp, người tốt người xấu ảo mờ. Trong thời kỳ đổi mới đi lên, cũng phát sinh bao điều bất cập, nhưng vẫn giữ được cốt cách, những điều ngang trái được phân minh, nghĩa xóm tình quê còn mãi...
Tập truyện ngắn "Ngôi mộ đá" có ưu điểm bám sát đời sống, giàu tính phát hiện, cảm xúc liền mạch… nhưng phương pháp trình bày còn cũ. Số trang dài mà truyền tải sự kiện đôi khi còn hạn chế. Tình tiết và ngôn từ trong truyện chưa thật sự ấn tượng. Nhưng dù sao, tác giả lần đầu bước vào làng văn xuôi chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết, bỡ ngỡ. Song, đây là bước đi mới, một ý thức nghề nghiệp đáng ghi nhận của tác giả Nguyễn Thanh Hải.