Góc nhìn

Lệch lạc giới tính

PHONG TUYẾT 13/01/2024 07:30

Những người sinh ra phải đi ngược lại giới tính của mình do yếu tố sinh học phải chịu nhiều đau khổ, nhưng người đồng tính giả chỉ vì nhận thức lệch lạc thì không đáng như vậy.

z5052898543723_c0c9ce80aba0516ba15c9e224ba4f2a9(1).jpg
Việc giáo dục giới tính ở gia đình, nhà trường cần được quan tâm hơn nữa (ảnh minh họa)

Ngày 6/1, hậu vệ Trần Thị Thu của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã tổ chức đám cưới với Nguyễn Thị Thương. Đây là lần đầu tiên một cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam công khai tổ chức đám cưới với người đồng giới. Thơi gian qua, Thương luôn là người bên cạnh ủng hộ sự nghiệp để Thu gặt hái những thành công.

Đọc câu chuyện này tôi lại nhớ gần đây, một người chị quen biết có kể chuyện con gái học lớp 9 ngồi nói chuyện vô tình bảo "lớn lên con lấy con gái cũng được mà, giờ trên mạng đầy người đồng giới lấy nhau, có quan trọng gì đâu". Nhiều người trong gia đình bị sốc khi đứa trẻ quá thờ ơ, bình thản lúc nói ra suy nghĩ ấy. Sốc không phải vì kỳ thị người đồng giới mà vì từ bao giờ đứa trẻ đã nghĩ việc yêu người đồng giới là chuyện bình thường mà không cần suy nghĩ?

Tôi luôn cảm thông với người đồng giới khi sinh ra không có xu hướng tính dục bình thường như bao người khác nên phải chịu thiệt thòi. Từng có cơ hội gặp và trò chuyện với một người đồng tính nữ ở Hải Dương, tôi càng cảm thông những nỗi đau đớn tinh thần, thể xác khi họ đi ngược lại với giới tính cha mẹ sinh ra. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang bị những ảnh hưởng trên mạng và môi trường xung quanh làm lệch lạc về nhận thức giới tính, gây hiện tượng đồng tính luyến ái giả.

Lướt mạng xã hội Facebook, Tiktok, tôi bắt gặp nhiều nội dung chia sẻ về cuộc sống của những cặp đôi đồng giới. Có những cặp đôi khiến tôi cảm thấy ấm áp, mừng cho họ vì đã được sống với “giới tính thật” và tìm được nửa kia đích thực mặc dù pháp luật chưa thừa nhận việc này. Có những cặp đôi lại khiến tôi cảm thấy như chỉ đang đu trend để câu view vì những nội dung này thường có nhiều người quan tâm hơn bình thường. Phải chăng những điều này đã góp phần làm nên một bộ phận giới trẻ hiện nay có lệch lạc trong nhận thức về xu hướng giới tính của mình?

Có em coi chuyện đồng tính là bình thường, là ngầu. Có em vì hụt hẫng do mất mát lớn, thiếu thốn tình cảm gia đình và tính cách không ổn định cũng dễ tìm kiếm chỗ dựa tinh thần nơi người đồng giới. Và như thế, các em thành người đồng tính dù cơ thể các em thực sự không nhất thiết phải như vậy.

Khi ấy, các em chưa biết rằng cuộc sống của mình sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Những người đồng tính thực sự phải trải qua nỗi đau tinh thần khủng khiếp khi đối mặt với gia đình, xã hội. Rồi còn những nỗi đau do phẫu thuật chuyển giới, thẩm mỹ, tự tay tiêm hormone... Đa số các bậc cha mẹ, người thân đều đau đớn đến nhường nào mới có thể chấp nhận được “giới tính mới” của con mình.

Ở Việt Nam hiện nay, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được thừa nhận. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã đồng ý bổ sung dự án Luật Chuyển đổi giới tính do ông Nguyễn Anh Trí đề xuất vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hiện nay, ông Trí đang là Trưởng Ban soạn thảo. Luật này nếu được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý chặt chẽ với người chuyển giới, góp phần ngăn chặn hiện tượng đồng tính luyến ái giả theo xu hướng trong một số bạn trẻ hiện nay.

Các biện pháp để tránh sự lệch lạc trong xu hướng giới tính của trẻ cần được giáo dục trong mỗi gia đình. Một gia đình êm ấm, nhiều yêu thương, ít những cú sốc tâm lý sẽ là điều kiện để tâm lý của trẻ vững vàng, phong phú và tự chủ trước những cám dỗ. Việc giáo dục giới tính ở trường học cũng cần được quan tâm hơn nữa, thực hiện phù hợp từng độ tuổi để các em tự chủ, tự nhận thức được chính mình. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý các nội dung tiêu cực trên mạng xã hội để tránh gây ảnh hưởng những lệch lạc về giới tính trong giới trẻ.

PHONG TUYẾT