Nhiều người mắc cúm A nặng phải nhập viện
Những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều người mắc cúm A phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng, thậm chí có ca đã biến chứng trắng phổi, viêm phổi.
Biến chứng nặng ở người có bệnh nền
Đa số các bệnh nhân cúm A nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều có sẵn bệnh nền, nên dễ bị biến chứng nặng.
Bệnh nhân N.V.A, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vì bị cúm A, vẫn phải thở máy, lọc máu.
Bốn ngày trước khi nhập viện, ông A. có triệu chứng cúm, tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh, nặng, nên được đưa tới Bệnh viện và được xác định mắc cúm A. Bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền như: Suy thận mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não…
Kết quả trên phim chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân đã có tình trạng "phổi trắng", tổn thương phổi 50 - 60% và tổn thương lan tỏa hai bên phổi. Các bác sĩ phải cho thở máy, tiến hành lọc máu liên tục; kiểm soát tình trạng suy thận…
Một nam bệnh nhân khác, 51 tuổi, cũng trong tình trạng biến chứng nặng do cúm A . Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cúm kèm sốt cao, đau đầu, khó thở, được chỉ định nhập viện và phát hiện mắc cúm A kèm bệnh nền xơ gan, viêm gan C, khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, tình trạng càng nặng hơn.Trong những tuần gần đây, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gia tăng nhanh số ca mắc cúm A phải nhập viện; trong đó tại cơ sở Kim Chung, Đông Anh đang điều trị cho khoảng 15 bệnh nhân cúm A nặng; trong đó, tại Khoa Hồi sức tích cực có 3 ca cúm A nặng phải thở máy.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Các bệnh nhân cúm A thường có các biểu hiện thông thường như: Sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi… nhưng với những người có cơ địa bệnh nền, bệnh dễ tiến triển nặng với các biểu hiện tức ngực, khó thở diễn biến nhanh”.
Những người có nguy cơ cần cảnh giác phòng bệnh
BS. Phạm Văn Phúc cảnh báo, trong thời điểm mùa Đông- Xuân như hiện nay, dịch cúm đã “vào mùa”, nên số ca bệnh gia tăng, lại rất dễ lây lan.
Có 2 đối tượng dễ mắc cúm nặng là trẻ em và người già có nhiều bệnh nền; đặc biệt là những người có bệnh nền tim mạch và phổi, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Theo BS. Phạm Văn Phúc, dịch cúm chưa thấy có sự khác biệt so với mọi năm; tuy nhiên hiện mới vào mùa, nên chưa thể biết chính xác sẽ có những thay đổi gì, người dân cần hết sức cẩn thận phòng bệnh.
Bác sĩ cũng lưu ý, trong thời điểm hiện nay, nhất là khi cả dịch COVID-19 và cúm đang lưu hành, việc mắc chồng cả 2 loại virus rất dễ xảy ra. Đáng lo ngại, việc điều trị 2 bệnh chồng lẫn thường khó khăn do tình trạng người bệnh dễ tiến triển nhanh hơn, khi điều trị phải kết hợp điều trị cả 2 loại bệnh. Nhất là khi người bệnh có tổn thương cả 2 căn nguyên ở cùng 1 vị trí thì việc điều trị còn khó khăn hơn rất nhiều.
Vì vậy, để phòng bệnh cúm, bác sĩ lưu ý, những người có bệnh nền, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm; tránh nơi đông người vì cúm có thể dễ dàng lây qua đường hô hấp.
“Hiện, bệnh cúm đã có vaccine phòng bệnh, với trẻ đã đủ tuổi nên được tiêm để dự phòng. Việc tiêm vaccine có thể không phòng được việc bị nhiễm cúm nhưng sẽ có tác dụng trong việc tránh diễn biến nặng. Virus cúm có nhiều tuýp khác nhau, có thể thay đổi theo từng năm nên người dân nên đi tiềm phòng hàng năm; nhất là với những người có bệnh nền, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm”, BS. Trần Văn Phúc khuyến cáo.
Để phòng chống mắc cúm, người dân cần thực hiện các biện pháp như:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.