Giáo dục và đào tạo

Nhiều đại học không tăng học phí

TB (tổng hợp) 08/01/2024 13:41

Nhiều trường đại học giữ nguyên học phí năm học này để chia sẻ với người học giữa lúc kinh tế khó khăn và theo cam kết khi tuyển sinh.

Chính phủ tuần trước ban hành Nghị định 97, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm.

Cụ thể, trần học phí ở các đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học này là 12-24,5 triệu đồng/năm, tùy ngành, thay vì 13,5-27,6 triệu như Nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 9,8-14,3 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa đến 2,5 lần mức trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Đại diện nhiều trường cho hay dù mức học phí đang áp dụng thấp hơn trần quy định nhưng sẽ chưa thu thêm. Bởi thời điểm cuối năm, tăng học phí có thể khiến phụ huynh, sinh viên thêm áp lực.

Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, học phí hiện tại dao động 10,5-35 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Trường dự kiến giữ ổn định mức này cả năm nay và năm tới, trong khi theo Nghị định 97, trường được phép thu 24-61 triệu đồng, tức gần gấp đôi hiện tại, vì đã tự chủ hoàn toàn.

"Tôi cho rằng các trường đại học cần thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với người học giữa bối cảnh kinh tế khó khăn", GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nói.

Lý do thứ hai là khi tuyển sinh từ năm ngoái, trường đã thông báo học phí và cam kết không tăng trong năm nên khó thu thêm, theo PGS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng giữ nguyên mức đang thu là 10,6-23,1 triệu đồng một năm như công bố và giữ ổn định trong bốn năm liên tiếp.

Ngoài ra, một số trường đã tăng học phí từ đầu năm, theo mức trần của nghị định cũ, đã sát với mức mới nên không điều chỉnh nữa.

Phụ huynh, tân sinh viên trường Đại học Công thương TP HCM đóng học phí, tháng 9/2023. Ảnh: HUIT

Phụ huynh, sinh viên Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh đóng học phí khi nhập học, tháng 9/2023

Tuy nhiên, theo TS Phan Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, từ năm học tới, học phí sẽ được điều chỉnh, nhưng cân nhắc không tăng mạnh. Một số trường có dự kiến tương tự, như Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Công thương TP Hồ Chí Minh, Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Mỏ - Địa chất.

Trong đó, Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 5%, lên gần 25 triệu đồng mỗi năm, thấp hơn mức trần dành cho trường tự chủ hoàn toàn. Học phí trường Đại học Mỏ - Địa chất dự kiến tăng lên 12,5-14,5 triệu đồng, thấp hơn mức trần khoảng 2 triệu.

Ông Lê Xuân Thành, Trưởng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết học phí tăng sẽ giúp cải thiện nhiều quyền lợi cho sinh viên. Bởi giá trị học bổng, mức vay vốn và nhiều gói hỗ trợ khác đều được tính dựa trên học phí.

Bên cạnh đó, theo TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khi học phí tăng, các trường có nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thực hành, nghiên cứu, tăng lương cho giảng viên. Riêng kinh phí học bổng và hỗ trợ sinh viên, năm nay trường dành ra 50 tỷ đồng, gần gấp đôi so với những năm trước.

Các trường cho biết sẽ cân nhắc kỹ mức tăng để phù hợp với bối cảnh kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên và truyền thông sớm để các gia đình chuẩn bị về tài chính.

Trần học phí với đại học công lập chưa tự chủ từ năm học 2023-2024 đến năm 2026-2027 (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng) như sau:

Khối ngành2023/242024/252025/262026/27
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên1.2501.4101.5901.790
Khối ngành II: Nghệ thuật1.2001.3501.5201.710
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật1.2501.4101.5901.790
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên1.3501.5201.7101.930
Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y1.4501.6401.8502.090
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác1.8502.0902.3602.660
Khối ngành VI.2: Y dược2.4502.7603.1103.500
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường1.2001.5001.6901.910

TB (tổng hợp)