Thực hiện quy hoạch để hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển Hải Dương
Nhân dịp tỉnh Hải Dương tổ chức công bố quy hoạch, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh về những định hướng, giải pháp thực hiện quy hoạch để hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển Hải Dương.
- Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên những yêu cầu nào?
- Trong những năm qua tỉnh thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 3155/QĐ-UBND ngày 15/11/2011.
Sau nhiều năm đổi mới và phát triển, quy mô nền kinh tế của Hải Dương đã tăng gấp 4,3 lần, đứng thứ 11 trong cả nước và thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển mạnh sang mô hình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng tăng. Thu ngân sách hằng năm đã vượt 20.000 tỷ đồng. Hải Dương là một trong số các địa phương bảo đảm tự cân đối ngân sách hằng năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị không ngừng được hoàn thiện, là tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được khẳng định, đứng ở vị trí tốp đầu cả nước. Hệ thống y tế được đầu tư, nâng cấp; văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục phát triển…
Cộng với bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi, nhiều chủ trương, chính sách mới đã được ban hành, do đó, Quy hoạch tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần được nghiên cứu cặn kẽ, xây dựng, ban hành phù hợp với tình hình mới.
- Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương xác định một trong những mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, đến năm 2050 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn chiến lược cần có giải pháp chiến lược. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Hải Dương xác định phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tích cực áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất và thương mại để nâng cao hiệu quả và năng suất cũng như chất lượng dịch vụ. Đưa kinh tế số thành một cấu phần quan trọng trong mọi lĩnh vực. Phát triển nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm giá trị cao thông qua đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư và phát triển mạnh mẽ khâu nghiên cứu và phát triển. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các cấp quản lý hay ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục. Phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới là cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng…
Các đột phá phát triển là tập trung phát triển 5 trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng 3 nền tảng hỗ trợ: Văn hóa và con người xứ Đông – phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học - công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Hình thành 4 trục phát triển không gian gồm: trục phát triển Bắc-Nam; trục phát triển theo hướng Đông-Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; trục phát triển Đông-Tây trung tâm tỉnh và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
- Hải Dương lựa chọn kịch bản, giải pháp phát triển như thế nào, thưa đồng chí?
- Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn đã đề ra trong quy hoạch, trên cơ sở phân tích, đánh giá sát hiện trạng; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội và khả năng phát triển, tỉnh Hải Dương đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cả giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong vùng, Hải Dương định hướng xây dựng khu kinh tế chuyên biệt quy mô hợp lý, trở thành động lực để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là trung tâm của sự đổi mới, sáng tạo, kết nối và phát triển.
Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.
Phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Phấn đấu đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…
Việc quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng với Hải Dương. Đây là cơ sở pháp lý để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, ngành. Từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Quy hoạch này là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng khi hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, kế hoạch thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và dân cư; đề xuất danh mục dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư, đề xuất các giải pháp khả thi để thực hiện quy hoạch, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện các nội dung trong quy hoạch, tỉnh Hải Dương đã đưa ra 7 nhóm giải pháp đồng bộ cần thực hiện, bao gồm: Nhóm giải pháp về huy động vốn; về phát triển nguồn nhân lực; về bảo vệ môi trường; về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn và nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Với tầm nhìn, tư duy đổi mới - sáng tạo, cùng khát vọng vươn lên phát triển, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tin rằng với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải Dương sẽ từng bước hiện thực hoá mục tiêu đề ra.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!