Đời sống

Nguyên tắc 20/80 khi phê bình trẻ

T.H (theo VnExpress) 07/01/2024 16:47

Lời phê bình có thể giúp trẻ sửa sai nhưng có thể gây tác dụng ngược, thậm chí làm nảy sinh tâm lý nổi loạn.

Theo giáo sư Tiền Chí Lượng, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm Bắc Kinh, khi giáo dục trẻ, tâm lý của người nói và người nghe hoàn toàn khác nhau. Cha mẹ trách móc hay chỉ trích con cái với suy nghĩ "dù cha mẹ mắng thế nào cũng vì lợi ích của trẻ". Trong tiềm thức, họ cho rằng đây là biểu hiện của tình yêu. Nhưng với đứa trẻ, cảm xúc của chúng thường được quyết định bởi thái độ của cha mẹ.

"Khi lời nói của cha mẹ mang tính đả kích, phủ nhận sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ. Từ đó chúng sẽ làm ngược lại những gì cha mẹ khuyên để khẳng định bản thân, dù biết đó là hành vi không tốt", ông Tiền nói.

Trong một khảo sát trực tuyến gần đây về thanh thiếu niên trầm cảm tại Trung Quốc, những ký ức đau đớn nhất mà những đứa trẻ này nhớ tới là lời chỉ trích gây tổn thương từ cha mẹ.

anh-minh-hoa-1-9879-1704474775.jpg
Ảnh minh họa

Theo ông Tiền, khi trẻ mắc lỗi thay vì khiển trách, cha mẹ nên hướng dẫn con tự nhìn nhận bản thân, bởi cốt lõi của việc phê bình là sự động viên để trẻ "ngẩng cao đầu" chứ không phải "cúi đầu xấu hổ". Những lời phê bình đúng đắn phải mang tính xây dựng và hữu ích cho trẻ.

Giáo sư Tiền Chí Lượng gợi ý về quy tắc "20/80" mỗi khi cha mẹ muốn phê bình con dưới đây:

20 phần dạy dỗ, 80 phần đồng cảm

Ông Tiền chia sẻ nhiều năm trước con trai ông đi xe điện tông phải một đứa trẻ. Dù vết thương không quá nghiêm trọng nhưng gia đình cũng tốn khá nhiều tiền cho việc đền bù.

Khi xảy ra vụ việc, cậu con trai không dám về nhà vì sợ hãi. Lúc này, ông Tiền không chỉ trích hay quát mắng mà tỏ ra thông cảm. "Con đừng trách bản thân quá nhiều, mấy ai tránh được sai lầm. Bố biết con không cố ý bởi không ai lại vô cớ gây phiền hà cho gia đình mình bao giờ". Sau khi động viên con, ông Tiền còn giúp cậu mang xe đi sửa.

Thấy bố hiểu và chấp nhận sai lầm của mình, cậu con trai bắt đầu suy nghĩ về những việc bản thân gây ra. "Nếu con lái xe chậm hơn có thể tai nạn đã không xảy ra", cậu bé nói với bố. Ông Tiền sau đó giải thích cho con về kiến thức an toàn giao thông và cậu bé chăm chú lắng nghe.

Theo vị giáo sư tâm lý, nhiều khi không phải trẻ không vâng lời mà cha mẹ cần cho trẻ sự đồng cảm trước khi dạy dỗ. Lời nói gay gắt sẽ không thể giải quyết vấn đề, chỉ có thái độ mềm mỏng mới có thể đưa lời nói đi sâu vào trái tim trẻ nhỏ.

20 phần phê bình, 80 phần khen ngợi

Nhà giáo dục học nổi tiếng Trung Quốc Giả Vinh Thao kể về tình huống từng gặp trong những lần tham vấn học đường.

Một cô bé 13 tuổi có thành tích học tập khá tốt dần học đuối bởi ngày càng chú trọng đến hình thức. Trước khi đến trường, cô bé dành hàng chục phút để trang điểm, làm đẹp. Người mẹ nhiều lần quát mắng rồi cấm trang điểm nhưng không thành. Người bố đi làm ăn xa trở về bèn nói với con gái: "Mỗi ngày con trang điểm xinh đẹp thế này thì chắc chắn ở lớp tâm trạng sẽ vui vẻ và tự tin hơn, phải không?".

Không bị chỉ trích, con gái rất vui khi nghe điều này từ bố. Nhận thấy thái độ tiếp nhận từ con, ông bố nói tiếp: "Sẽ tốt hơn nếu con có thể hoàn thành bài tập về nhà đẹp đẽ như cách con trang điểm. Bố tin rằng việc đó không gì khó khăn với con, phải không?" Cô bé vui vẻ gật đầu, từ đó chăm chỉ học tập hơn.

Theo ông Giả Vinh Thao, phương pháp giáo dục mà người cha này sử dụng chính là "Hiệu ứng bánh sandwich" trong tâm lý học. Theo đó, nội dung phê bình được "kẹp" giữa hai lời khen ngợi sẽ khiến người bị phê bình nhanh chóng chấp nhận lời phê bình hơn.

"Trong khi phê bình và đưa ra kiến nghị, đừng quên tán đồng, đánh giá cao, khẳng định và quan tâm đến đối phương. Điều đó có thể giúp người bị phê bình chủ động chấp nhận phê bình và sửa chữa khuyết điểm của mình", ông Giả nói.

20 phần yêu cầu, 80 phần chia sẻ

Nhà giáo dục học Giả Vinh Thao cũng chia sẻ thêm câu chuyện của một người bạn. Gần đây, người này phát hiện trong cặp sách cậu con trai lớp 8 có nhiều thư tình. Biết con trai yêu sớm nhưng người cha không trực tiếp truy hỏi mà chọn thời điểm khi cả hai cảm thấy vui vẻ nhất để nói chuyện với nhau.

Người cha chia sẻ, hồi bằng tuổi con trai bây giờ cũng thích một bạn gái, nhưng không dám thể hiện mà giữ cảm xúc trong lòng. Lý do là khi đó còn nhỏ tuổi, chưa có kế hoạch gì cho tương lai. Chỉ đến khi thi đỗ đại học, người cha mới tỏ tình với bạn gái mình thích và đợi đến lúc tốt nghiệp có việc làm ổn định mới nghĩ tới việc kết hôn và sinh con. Bạn gái mà người cha kể chính là mẹ cậu bé.

Từ đầu tới cuối, người cha không hề nhắc tới bức thư tình trong cặp sách con trai mà chỉ khéo léo lồng ghép câu chuyện của bản thân và đưa ra lời khuyên cũng như cách xử lý sự việc.

"Chia sẻ kinh nghiệm của chính bố mẹ với con cái là chìa khóa để mở rộng trái tim trẻ", ông Giả nói. Vì trẻ không thích nghe theo mệnh lệnh hoặc những gợi ý cứng nhắc nên những câu chuyện thực tế có thể hướng dẫn trẻ cách chúng đi đúng hướng.

Theo ông Giả, làm cha mẹ là một sự thực hành, nuôi dạy con cái chính là tu dưỡng bản thân. Khi trẻ mắc sai lầm, điều bố mẹ cần làm không phải dùng những lời lẽ gay gắt để buộc trẻ thừa nhận lỗi lầm mà để trẻ học cách suy nghĩ. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, không nên để sự phê bình làm mất đi tình thương, giáo dục làm mất đi sự ấm áp, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái chỉ còn là rao giảng đạo lý.

"Một đứa trẻ được tắm trong tình yêu thương và sự chấp nhận từ cha mẹ mới có thể phát triển sức mạnh nội tại và lòng dũng cảm khi lớn lên", ông Giả khẳng định.

T.H (theo VnExpress)