Thích ngành bảo hiểm, thí sinh nên chọn trường đại học nào?
Ngành bảo hiểm đang nhận về nhiều sự quan tâm của thí sinh khi nhu cầu sử dụng bảo hiểm của mọi người ngày càng tăng, vậy nên chọn theo học ở trường đại học nào?
Ngành bảo hiểm là một trong những ngành phát triển mạnh và ngày càng tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ liên quan. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm dành cho những người có trình độ và kỹ năng phù hợp.
Dưới đây là thông tin tuyển sinh và mức điểm chuẩn của một số trường đại học đang đào tạo ngành bảo hiểm, thí sinh có thể tham khảo thêm.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố, ngành bảo hiểm dự kiến tuyển sinh 180 chỉ tiêu theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,4 điểm (A00; A01; D01; D07).
Năm học 2024 - 2025, nhà trường dự kiến mức học phí dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm học.
Trường Đại học Lao động - Xã hội
Năm 2023, Trường Đại học Lao động - Xã hội tuyển sinh ngành bảo hiểm theo 3 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển thẳng.
Với phương thức tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của ngành bảo hiểm lấy 21,74 điểm (A00; A01; D01). Trong khi đó, phương thức xét điểm học bạ lấy điểm chuẩn cao hơn - 22,71 điểm (A00; A01; D01)
Nhà trường quy định mức học phí đối với ngành bảo hiểm trong năm học vừa qua dao động từ từ 6,8 - 8 triệu đồng/học kỳ. Mức học phí tăng không quá 10% so với năm liền trước, theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp hiện đang đào tạo 3 chuyên ngành thuộc ngành bảo hiểm, bao gồm: Định phí bảo hiểm, Kinh tế bảo hiểm và Bảo hiểm xã hội. Năm 2023, nhà trường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển với ngành học này tại cơ sở Hà Nội là 21 điểm (A00; A01; C01; D01) và cơ sở Nam Định lấy 17,5 điểm (A00; A01; C01; D01).
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường còn tuyển sinh ngành bảo hiểm theo phương 4 thức khác: xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét học bạ, xét tuyển thẳng.
Mức học phí nhà trường dự kiến thu trong năm học 2023 - 2024 đối với ngành bảo hiểm là 480 nghìn đồng/tín chỉ.
Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh xét tuyển ngành bảo hiểm theo 6 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét học sinh giỏi, xét quá trình học tập theo tổ hợp môn, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành bảo hiểm lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 24 điểm (A00; A01; D01; D07). Riêng mức điểm chuẩn năm 2022 là 24,8 điểm (A00; A01; D01; D07)
Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí là 940 nghìn đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh đào tạo chuyên ngành bảo hiểm thuộc ngành tài chính - ngân hàng. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, xét kết quả học bạ.
Với phương thức xét điểm thi, chuyên ngành bảo hiểm lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 18 điểm (A00; A01; D01; C01).
Nhà trường quy định mức học phí dao động từ 20 - 22 triệu đồng/học kỳ. Học phí được thu vào đầu mỗi học kỳ và một năm có 4 kỳ học.