Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh bằng cách nào?
Cảm cúm và cảm lạnh thường dễ gây nhầm lẫn bởi các triệu chứng tương đồng.
Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh khác nhau. Thế nhưng nhiều người vẫn nghĩ 2 bệnh lý là một và thường gọi chung là bị cúm hoặc bị cảm.
Để phân biệt cảm cúm và cảm lạnh thông qua các triệu chứng rất khó. Bởi hai loại bệnh có những dấu hiệu của viêm long đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng…
Nguyên nhân:
Cảm lạnh thường do Rhinovirus gây nên hoặc Enterovirus- Cảm cúm thường do virus cúm (Influenza virus) gây nên.
Người bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm để phân biệt các loại cúm.
Diễn biến bệnh:
Thông thường, cảm cúm sẽ dễ gây ra các biến chứng hơn so với cảm lạnh. Thậm chí, có những đại dịch cúm như H5N1 sẽ gây ra các biến chứng viêm phổi hoặc suy hô hấp cho người bệnh.
Đối với người mắc cảm lạnh, diễn biến bệnh có thể nhẹ nhàng hơn, ít xảy ra biến chứng. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, rát họng… và sau đó tự khỏi. Người mắc cảm lạnh sẽ gặp các triệu chứng gây khó chịu nhiều như ho có đờm xanh/vàng, dịch ở mũi…
Cả cảm cúm và cảm lạnh đều do virus gây ra, nguyên tắc điều trị là điều trị các triệu chứng. Thậm chí trong nhiều trường hợp bệnh cảm lạnh có thể tự khỏi.
Trong trường hợp mắc cảm cúm hoặc cảm lạnh, người bệnh có thể súc họng bằng nước ấm, sử dụng các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng. Người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng kháng sinh để điều trị cảm cúm và cảm lạnh.
Phòng ngừa cảm cúm và cảm lạnh
Mọi người có thể chủ động thực hiện các biện pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc cảm cúm và cảm lạnh như:
- Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ ăn, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. Ngoài việc tăng cường các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thông qua thực phẩm hoặc uống vi chất. Một số thực phẩm tốt cho hệ hô hấp và có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là cam, táo, các loại rau có màu xanh đậm, trứng, sữa….
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo lượng nước cho cơ thể, đảm bảo quá trình trao đổi chất đồng thời giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý trong đó có bệnh về đường hô hấp.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/ nước sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
- Không để cơ thể bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài nhất là các bộ phận như đầu, cổ, tay chân…
- Hiện nay, có một số loại vaccine phòng một số loại cúm. Các đối tượng có nguy cơ cao có thể tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh.
Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, tránh trường hợp để bệnh có những diễn biến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.