Tạo điểm tựa cho tăng trưởng bền vững
Hải Dương vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra con đường phát triển kinh tế-xã hội mới cho xứ Đông. Nắm bắt cơ hội này, Hải Dương quyết tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, làm điểm tựa cho sự tăng trưởng, bứt phá.
Biết người, hiểu ta
“Họ có thể làm việc cả ngày lẫn đêm mà không đòi hỏi nghỉ ngơi hay đi du lịch xả hơi và thưởng Tết...”, công nhân Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (Tập đoàn An Phát) mô tả về “đồng nghiệp" mới là những robot, cỗ máy thông minh xuất hiện ngày càng nhiều trong nhà máy của họ như vậy. Không để mất việc bởi những robot, nhiều công nhân An Phát Xanh đã đăng ký học nâng cao tay nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp của công ty. Sau những lớp học này, công nhân có thể tự tin điều khiển, sử dụng những “đồng nghiệp" mới để tăng năng suất, chất lượng công việc.
Những nhà máy robot được quản lý, điều khiển bởi những công nhân có tay nghề cao, giỏi công nghệ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế dễ mất việc bởi những tiến bộ của dây chuyền, máy móc tự động và quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Trước những thách thức đó, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Văn Bảo cho rằng: “Nhận thức, đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực sẽ giúp Hải Dương đi đúng hướng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi quy hoạch tỉnh đã được ban hành”.
Lao động Hải Dương đông nhưng chưa mạnh. Ông Bảo nhận định như vậy và cho rằng nâng cao kỹ năng nghề, năng suất lao động và tăng số lượng lao động qua đào tạo rất cần thiết. Đây là “chìa khóa” giúp Hải Dương có được vị thế là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước vào năm 2030. “Lao động Hải Dương có truyền thống cần cù, chịu khó, ham học hỏi và không ngừng tiến bộ. Tôi tin họ sẽ trở thành động lực quan trọng để tỉnh thực hiện những mục tiêu lớn trong tương lai”, ông Bảo nhận định.
Cùng với cả nước, Hải Dương đang bước vào giai đoạn “dân số vàng”. Số người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) cao gấp đôi số người phụ thuộc. Lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào cho phép Hải Dương có lợi thế cạnh tranh về số lượng lao động so với nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, nguồn nhân lực dồi dào chưa đủ mà cần có kỹ năng và tay nghề giỏi mới thực sự giúp doanh nghiệp Hải Dương phục hồi, tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương tăng từ 19,1% năm 2016 lên 24,8% năm 2020 và năm 2023 đạt 32,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,7%. So với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Dương thì các chỉ số này vẫn thấp.
Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Hải Dương đã sớm ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030". Quy hoạch tỉnh cũng xác định rõ một trong ba nền tảng để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian tới là “Văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh”.
Mở ra cơ hội
Năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Dương đạt 1,136 tỷ USD, gấp hơn 3 lần năm trước đó, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu hút đầu tư trong nước cũng đạt kết quả tích cực với 11.675 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với năm 2022. Như vậy, Hải Dương tiếp tục là “đất lành” trong thu hút đầu tư. Cơ hội việc làm cho lao động Hải Dương luôn rộng mở.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên cho biết theo quy hoạch tỉnh, thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tiến tới xây dựng tỉnh thành vùng công nghiệp động lực cho vùng đồng bằng sông Hồng. Nông nghiệp cũng phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, kết hợp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, tạo sự bền vững cho phát triển kinh tế… Lao động Hải Dương phải thay đổi và bắt nhịp xu hướng thu hút đầu tư và phát triển đó. “Khi doanh nghiệp đến với Hải Dương là những đại bàng, mang theo công nghệ sản xuất hiện đại thì lực lượng lao động không thể lạc hậu”, ông Lê Hồng Diên nhấn mạnh.
Cơ hội cho lao động chất lượng tốt của Hải Dương cũng mở rộng hơn ở thị trường quốc tế. Theo dự báo của Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2024 và những năm tiếp theo, “lục địa già” tiếp tục thiếu nhân lực trầm trọng. Thực trạng chủ cần thợ, việc chờ người tại đây sẽ mở ra cơ hội không nhỏ cho lao động nhập cư, trong đó có lao động Hải Dương.
Theo nhận định của bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong một buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cuối năm vừa qua, Hải Dương là một trong những tỉnh có số người đi lao động ở nước ngoài hằng năm thuộc nhóm đầu cả nước. Trong bối cảnh nhiều nước có nền kinh tế phát triển “khát” nhân lực thì lao động chất lượng của Hải Dương sẽ có cơ hội tìm được công việc tốt.
Cải thiện kỹ năng nghề qua đào tạo, tăng năng suất lao động cũng là cách để Hải Dương sử dụng nhân lực đúng hướng. “Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, sớm đưa Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” kỳ vọng sẽ mở cánh cửa để Hải Dương sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, biến giá trị văn hóa, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển.
Làm gì để chinh phục G20?
Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% số học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; có từ 2-3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G20)…
G20 gồm 20 nước có nền kinh tế lớn. Các nước này đại diện cho 85% nền kinh tế và 2/3 số dân thế giới. Trong đào tạo nguồn nhân lực, Hải Dương đặt mục tiêu cao nhất để lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia này. Những ý kiến tâm huyết sau đây có thể giúp Hải Dương mở cánh cửa hội nhập quốc tế về nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Nhân lực chất lượng mở cơ hội phát triển
Nhân lực là một trong 3 nền tảng được nêu trong quy hoạch tỉnh Hải Dương vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ”… Tháng 11/2023, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong ba khâu đột phá để năm 2025 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Vì vậy, có thể thấy phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới nguồn nhân lực chất lượng sánh với các nước phát triển như G20.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong quá trình triển khai các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, thời gian tới Hải Dương cần bám sát xu hướng phát triển thị trường lao động; chủ động thay đổi phương thức đào tạo của các trường nghề, các trường đại học trong tỉnh. Các trường liên kết chặt chẽ và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, coi nhu cầu của doanh nghiệp là xu hướng đào tạo trong thời gian tới. Sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh, gắn với phát triển vùng công nghiệp động lực theo đúng định hướng phát triển doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp số. Chúng ta cần phát huy giá trị, bản sắc con người xứ Đông cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
Sẵn sàng thích ứng
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Nguồn nhân lực chất lượng có vai trò quyết định đến tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bao trùm, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Lao động có văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 27,2% tổng số lao động. Ở Hải Dương, tỷ này cao hơn nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhất là các nước phát triển tỷ lệ này còn khiêm tốn. Người lao động Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế về kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm và năng lực thích ứng trước sự thay đổi.
Dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển kỹ năng lao động, tôi cho rằng người lao động Việt Nam nói chung, người lao động Hải Dương nói riêng muốn nâng cao trình độ, nhất là tiệm cận với những nước có nền kinh tế phát triển như G20 cần phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Người lao động cần tích cực tự học, tự rèn, tìm tòi cập nhật kiến thức mới về công nghệ, tham gia tích cực các khóa đào tạo, đào tạo lại để bổ sung, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu công việc, từ đó nâng dần năng suất làm việc.
Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ
Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương đạt 32,5%, tăng 1,8% so với năm trước đó. Đây là tiền đề để Hải Dương tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực đạt chất lượng, nhất là tiệm cận các nước G20. Năm nay là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nên cần triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu của đề án, trong đó có tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ.
Để thực hiện mục tiêu đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới; tham mưu tỉnh sắp xếp, kiện toàn mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu tại Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư.
Năng suất lao động tạo lợi thế
Công ty TNHH FIT VOLTAIRA Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH PRETTL SWH) có mặt tại khu công nghiệp Đại An từ năm 2010 và hiện đã có gần 2.000 cán bộ, nhân viên, công nhân. Hơn một thập kỷ sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương, tôi thấm thía lao động luôn là nguồn lực rất quan trọng để phát triển doanh nghiệp.
Thực tế, năng suất lao động ở Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung chưa cao. So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của chúng ta chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar. Về chi phí lao động, chúng ta cũng chỉ ở vị trí tương ứng.
Nếu như năng suất lao động không tăng nhanh tương ứng với tốc độ tăng của tiền lương và tốc độ giảm giá bán của nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng tới biên lợi nhuận. Chúng ta đã từng chứng kiến doanh nghiệp rời Việt Nam tìm tới một quốc gia khác có năng suất lao động tốt hơn.
Tôi nhận thấy tập trung cải tiến liên tục năng suất lao động, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tự động hóa, số hóa vào sản xuất rất cần thiết với doanh nghiệp. Tại VOLTAIRA Việt Nam, chúng tôi luôn đưa ra những chính sách khuyến khích người lao động có những cải tiến về năng suất hoặc thường xuyên trợ cấp tay nghề để thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Giáo dục nghề nghiệp đi trước, đón đầu
Để thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương tiếp cận trình độ nhóm các nước khu vực ASEAN, tiến tới là các nước có nền kinh tế lớn (G20), tôi nhận thấy lao động Hải Dương cần nhanh chóng đổi mới để theo kịp yêu cầu thay đổi từ thị trường lao động.
Trong tổng số 8 ngành nghề đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương hiện nay đã có 4 nghề cấp quốc tế gồm cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại và điện tử công nghiệp. Nhà trường đã xây dựng bộ chương trình đào tạo đạt chuẩn, đầu tư và tiếp nhận các thiết bị thí nghiệm, thực hành hiện đại, tiên tiến của các nước Anh, Mỹ, Đan Mạch, Đức… cho giáo viên giảng dạy và học sinh, sinh viên thực hành.
Tuy vậy, để nguồn nhân lực của Hải Dương đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Trường Cao đẳng Nghề nói riêng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hải Dương nói chung cần quan tâm nghiên cứu, tập trung đào tạo những ngành nghề có xu hướng sử dụng lao động có kỹ năng nghề cao. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại để học viên tiếp cận với thực tế không bỡ ngỡ, lạc hậu, khi ra trường vào làm việc tại các doanh nghiệp.
Những nhà giáo, người trực tiếp cầm tay chỉ việc cần giúp các em hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn lao động, giỏi kỹ năng nghề, sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp.
Giáo dục nghề nghiệp phải chủ động đổi mới, đi trước, đón đầu, nâng cao chất lượng đào tạo mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước.