Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn
Một trong những đề thi rất được quan tâm trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT hàng năm là đề của môn Ngữ văn. Giới thiệu đề thi môn học này trong buổi thi vừa diễn ra sáng nay.
Sáng nay, học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 thi viết các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy tính môn Tin học.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của buổi thi sáng nay như sau:
Nhận xét ban đầu về đề thi, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên - chia sẻ: "Theo quan điểm của riêng tôi, đề thi HSG quốc gia môn Ngữ văn năm 2024 là một đề thi khó và đạt chất lượng, xứng tầm với một kì thi ở dạng tinh hoa nhất của bậc THPT.
Trong đó, câu nghị luận xã hội đặt ra một vấn đề rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống hôm nay: trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội. Trong thời đại số ngày nay, hầu như người trẻ nào cũng tìm thấy chính mình trong đó. Học sinh sẽ có thể dùng trải nghiệm sinh động của chính mình để thể hiện quan điểm. Cách hỏi của câu này cũng khá mở, giúp học sinh có cơ hội tỏ bày quan điểm riêng.
Câu Nghị luận văn học ra một vấn đề rất quan trọng trong lí luận văn học: vấn đề tiếp nhận văn học, cụ thể là vai trò của người đọc. Với tư cách cũng là một người đọc, các em sẽ có nhiều trải nghiệm phong phú, sinh động để làm đề này. Tuy nhiên, theo tôi, câu nghị luận văn học vẫn còn nặng tính hàn lâm. Cách hỏi của câu này cũng vẫn còn theo lối cũ, chưa thực sự có sự đột phá trong cách hỏi".
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học này sẽ diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/1. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm nay là 5.819 thí sinh, tăng 1.230 em so với năm ngoái. Trong các môn thi, Ngữ văn và Tiếng Anh là các môn có nhiều thí sinh dự thi nhất, với khoảng 640 thí sinh.
Ngày 5/1, học sinh thi viết các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy tính môn Tin học. Ngày 6/1, học sinh thi viết các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc; thi lập trình trên máy tính môn Tin học.
Về đề thi, trước đo, Bộ GD-ĐT cho hay: “Nội dung thi theo Chương trình giáo dục THPT 2006 và hướng dẫn thực hiện chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT”.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi năm nay là lần đầu tiên thực hiện theo quy chế thi học sinh giỏi quốc gia mới với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Cụ thể, về số lượng thí sinh dự thi, quy chế mới quy định các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội 20 thí sinh…
Hải Dương có 108 thí sinh tham dự kỳ thi này. Tất cả các em đều là học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi.
Bộ GD-ĐT cũng quyết định thay việc tổ chức buổi thi thực hành bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Bộ GD-ĐT cũng bổ sung Giấy chứng nhận trong kỳ thi. Cụ thể, Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải. Theo Bộ GD-ĐT, điều này giúp các học sinh có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi.