Kinh nghiệm giúp người Nhật vượt qua thiên tai
Trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra hôm 1/1 ở Nhật Bản một lần nữa khiến thế giới cảm phục tinh thần kiên cường và chủ động ứng phó thiên tai của người dân đất nước Mặt Trời mọc.
Kinh nghiệm từ Fukushima
Năm 2011, cả thế giới bàng hoàng khi thảm họa kép động đất, sóng thần tấn công khu vực phía đông Nhật Bản khiến 19.000 người thiệt mạng và gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima.
Theo anh Vũ Quang Hải Minh (38 tuổi, quản lý du học sinh nước ngoài tại trường chuyên môn ở Kanazawa), chính thảm họa năm đó đã để lại nhiều kinh nghiệm đắt giá cho Nhật Bản trong ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
"Khi thảm họa kép đột ngột xảy ra vào năm 2011 ở tỉnh Fukushima, phản ứng của chính phủ lúc đó còn chậm do chưa từng trải qua trận động đất nào lớn như vậy - anh giải thích, rồi nói tiếp - Đến trận động đất hôm 1-1-2024, chính phủ đã phản ứng rất nhanh.
Họ ngay lập tức yêu cầu các công ty viễn thông phải thiết lập mạng WiFi miễn phí để người ở những khu vực bị mất điện, không có Internet và phải sơ tán vẫn có thể truy cập thông tin, nắm bắt tin tức. Đồng thời, máy bay, xe vận tải cỡ lớn cũng được điều động để chuyển nước khẩn cấp đến hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng".
Trong suốt 10 năm ở Nhật, anh Minh đã trải qua nhiều trận động đất. Thông thường mỗi trận chỉ khoảng 5 - 10 giây, nhưng trận động đất hôm vừa rồi kéo dài gần một phút. "Nhà rung lắc mạnh, đồ đạc rơi xuống gây nhiều tiếng động lớn. Vì không thể ngồi vững nữa nên tôi cũng bắt đầu có cảm giác sợ", anh nhớ lại.
Trận động đất lớn nên người dân tại tỉnh Ishikawa đã được yêu cầu ra khỏi nhà, đến các điểm tập trung sơ tán tại công viên hay khu sinh hoạt cộng đồng. Gia đình anh Minh cũng đã phải sơ tán khoảng một tiếng trước khi quay về nhà.
Dù TP Kanazawa cách tâm chấn ở bán đảo Noto khoảng 100km và không bị ảnh hưởng hay thiệt hại nặng nhưng chính quyền địa phương vẫn rất cảnh giác. "Dù không bị mất điện và cắt nước nhưng vẫn có thông báo dự trữ nước và chuẩn bị đồ dùng khẩn cấp, do đến nay vẫn còn dư chấn và các đợt động đất nhẹ", anh Minh chia sẻ.
Người dân bình tĩnh phối hợp
"Người Nhật từ nhỏ đã được học cách ứng phó với thiên tai bài bản, nên khi động đất xảy ra, họ không hoang mang. Tinh thần, sự bình tĩnh và trật tự của người Nhật trong thiên tai là rất cao", anh Vũ Tiến Dũng (28 tuổi, làm việc tại Nghiệp đoàn Hokuriku Taigai) nói.
Tả lại khung cảnh ở các trạm xăng hôm 1/1/2024, anh Dũng cho biết ô tô kéo dài hàng trăm mét nhưng người dân vẫn tuân thủ luật giao thông, xếp hàng lần lượt và tuyệt nhiên không hỗn loạn. Tại Kanazawa, người dân cũng chỉ mua đủ thực phẩm dự trữ trong 1 - 2 ngày để nhường cho những người đến sau.
Ở Nhật đã hơn bảy năm, anh Dũng gợi ý người nước ngoài khi đến Nhật sinh sống cần tải các ứng dụng (app) cảnh báo thiên tai. Đồng thời, cần xác định các địa điểm lánh nạn trong khu vực sinh sống, trong đó cần chú ý phân biệt vì có những điểm được thiết kế để chống chọi với động đất nhưng không thể chống lại sóng thần.
Cũng như các trẻ em khác ở Nhật, hai con của anh Minh từ nhỏ đã được dạy các kiến thức ứng phó động đất. "Trước hết các em được dạy phải bình tĩnh. Sau đó, các em sẽ tìm những nơi có thể trú ẩn và che được đầu, chờ ở đó cho đến khi hết động đất", anh kể.
Gia đình anh hiện đã chuẩn bị một ba lô với đầy đủ nước uống, thực phẩm khô, đèn pin và các vật dụng cần thiết, đề phòng việc phải di tản trong trường hợp động đất lại xảy ra.
"Các nhà hàng, tiệm tạp hóa và cửa hàng tiện lợi 24 giờ sẽ bị tê liệt và không có thức ăn trong một vài ngày sau động đất. Cho nên cần chuẩn bị thực phẩm khô và nước, những thứ không cần nấu nướng mà có thể ăn liền", anh giải thích.
Công tác cứu hộ vẫn tiếp tục
Theo Hãng tin Kyodo, tính đến ngày 4/1, đã có 78 người thiệt mạng và 51 người mất tích tại tỉnh Ishikawa. Khoảng 34.000 người trong tỉnh này đã ở tại các trung tâm sơ tán, ít nhất 200 tòa nhà đã bị sập hoặc hư hỏng một phần. Nhiều người được cho là vẫn đang mắc kẹt dưới các đống đổ nát ở TP Wajima.
Tại Tokyo, Thủ tướng Kishida Fumio kêu gọi "nỗ lực toàn diện" để cứu được nhiều người nhất có thể trong 72 giờ đầu tiên sau thảm họa.