Nguyễn Lương Bằng - danh nhân tuổi Rồng
Năm Giáp Thìn 2024 kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng - một người con quê hương Thanh Miện, Hải Dương, một danh nhân tuổi rồng.
Cuộc đời oanh liệt
Sinh năm Giáp Thìn 1904 (cầm tinh con rồng), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Đoàn Tùng (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương), một vùng đất hiếu học và khoa bảng, Nguyễn Lương Bằng ngay từ tuổi niên thiếu đã ham học và có lòng yêu nước nồng nàn.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Lương Bằng ra Hải Phòng làm thuê, bắt đầu cuộc đời tự lập. Mùa thu năm 1925, Nguyễn Lương Bằng xin được vào làm việc trên tàu biển Canton-một tàu lớn của Pháp, chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông. Từ đây, "con rồng" đã giang cánh bay trên biển trời: Hồng Kông, Sa Điện - Quảng Châu (Trung Quốc). Rồi cơ duyên đã đưa Nguyễn Lương Bằng tới gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Người. Ông nhanh chóng được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Sau đó, từ Hải Phòng, ông vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1931, ông bị Pháp bắt tại Sài Gòn, đưa ra Hải Phòng, rồi cầm tù tại Hỏa Lò. Cuối cùng chúng đưa về Tòa đề hình Hải Dương xử ông án tù chung thân. Nguyễn Lương Bằng đã trốn thoát lên Vĩnh Yên hoạt động, để rồi tìm đường về Thanh Miện.
Năm 1933, một lần đi công tác Bắc Giang, Nguyễn Lương Bằng lại sa vào tay giặc. Chúng đưa ông về giam ở Hỏa Lò - Hà Nội, rồi đày lên nhà tù Sơn La. Chính nơi đây, năm 1943, ông đã được tổ chức cho vượt ngục trở về hoạt động chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Năm 1945, tại hội nghị toàn quốc của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc toàn quốc, sau đó vào Ủy ban Thường trực do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Cách mạng thành công, ngày 28/8/1945, Ủy ban Giải phóng dân tộc đổi thành Chính phủ lâm thời. Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, ông xin rút khỏi chức vụ ấy, nhường cho các nhân sĩ yêu nước khác, để sang Mặt trận với trọng trách Tổng thư ký. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân…”.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được Đảng, Nhà nước tin cậy giao nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô, Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước.
Biệt danh Anh Cả, Sao Đỏ
Thời kỳ bị đày lên Sơn La, Nguyễn Lương Bằng bị giam cùng với Tô Hiệu. Ngày ấy Tô Hiệu đang bị lao nặng, khó có thể qua khỏi. Ông tận tuỵ chăm sóc, dành thuốc để tiêm cho đồng chí mình, có lần Tô Hiệu từ chối để tiêm cho người khác. Ông còn mạnh dạn tìm ra phương pháp hòa thuốc ký ninh thành nước rồi tiêm trực tiếp vào cơ thể bạn tù bị sốt rét cấp tính. Việc làm của “y tá” Nguyễn Lương Bằng đã cứu sống được nhiều chiến sĩ cách mạng và ông được anh em kính phục, gọi bằng tên thân yêu "Anh Cả".
Trong hoạt động cách mạng, với tấm lòng trong sáng, ý chí kiên cường, các đồng chí còn đặt cho ông cái tên Sao Đỏ. Đầu những năm 60 thế kỷ trước, ở một vùng đất địa linh nhân kiệt - tỉnh Hải Dương, người ta dùng tên ông đặt cho một thị trấn huyện lỵ, nay là phường Sao Đỏ, TP Chí Linh.
Đại sứ đầu tiên
Nước Việt Nam độc lập từ năm 1945, nhưng 7 năm sau (1952), lần đầu tiên Đại sứ Việt Nam Nguyễn Lương Bằng mới trịnh trọng trình Quốc thư lên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô, đánh dấu mốc son ngoại giao trên trường quốc tế. Ngày ấy đất nước đang kháng chiến nên tòa Đại sứ chỉ là ngôi nhà chật hẹp, nằm bên con đường nhỏ, có đêm mưa nước chảy lênh láng nền nhà. Đại sứ Nguyễn Lương Bằng nói với các cán bộ ngoại giao phải khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc.
Chính những ngày ở Liên Xô, trong khuôn khổ ngoại giao, Đại sứ đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nước chủ nhà và các đoàn khách nước bạn để giới thiệu hình ảnh về đất nước trong cuộc kháng chiến, đã được nhiều nước tỏ lòng thiện cảm và ủng hộ.
Chuyện kể rằng, một lần ông đi công tác Trung Quốc, quần áo còn thiếu thốn, bên ngoài mặc áo đại cán, bên trong chiếc áo sơ mi đã quá sờn. Trời hôm ấy nắng quá, bạn đề nghị mọi người cởi áo ngoài cho mát, nhưng ông không cởi, vẫn cố chịu nóng. Về nhà, sau này vô tình chuyện mới vỡ lẽ, các bạn nghe chuyện càng nể phục cảm thông.
Sống mãi
Về hưu, những lần ông bà được đi an dưỡng ở Tam Đảo, vị Phó Chủ tịch nước và phu nhân chỉ chọn ngôi nhà nằm khuất nẻo, như một gia đình bình thường để nghỉ ngơi, chứ không nhận tòa nhà dành cho vị lãnh đạo cao cấp. Những năm chiến tranh chống Mỹ, có lần đi thăm con sơ tán ở Sơn Tây, thay vì dùng xe công, ông bà ra bến xe khách xếp hàng mua vé.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng mất năm 1979, thọ 75 tuổi. Tấm gương sáng về phẩm chất của nhà lão thành cách mạng và cuộc đời trong sáng giản dị, liêm khiết thanh bạch của ông mãi ở lại trong lòng nhân dân.
Khi ông đã về cõi vĩnh hằng, người bạn đời của ông - bà Hà Thục Trinh đã xin trả lại Nhà nước ngôi biệt thự số 5 Thiền Quang (Hà Nội), chuyển sang ở ngôi nhà khác khiêm nhường hơn.
Bây giờ trên quê ông, có Nhà tưởng niệm Nguyễn Lương Bằng, được gìn giữ, tôn thờ. Từ mấy chục năm qua, tỉnh Hải Dương đã có “Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng". Không chỉ thế, trên khắp đất nước này hiện có biết bao tỉnh, thành phố, có những đại lộ, trường học, những thị trấn sầm uất mang tên ông…