Đời sống

Ký ức sông quê: Bài 2 - Đôi bờ... tình yêu

BÌNH MINH 11/02/2024 15:00

Dòng sông chia cách đôi bờ nhưng điều kỳ diệu là nó lại dệt nên những mối lương duyên, những câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa.

img_9546.jpg
Vợ chồng ông Phạm Ngọc Mai và bà Ngô Thị Mùi nên duyên từ đôi bờ sông Thái Bình, sống hạnh phúc mấy chục năm qua

Chuyện tình anh bán vôi

"Sông sâu ngăn cách đôi bờ thế mà không ít người ở xã tôi và địa phương bên đó vẫn đến được với nhau, nên duyên vợ chồng, hạnh phúc với tổ ấm của mình", Chủ tịch UBND xã Thái Tân (Nam Sách) Đinh Ngọc Dậu chỉ tay về phía bên kia sông Thái Bình thuộc xã Minh Tân, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) nói.

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Phạm Ngọc Mai (60 tuổi) và bà Ngô Thị Mùi (57 tuổi) - một trong những minh chứng rõ nét về tình yêu đôi lứa ở hai bên bờ sông Thái Bình. Phía trước căn nhà to đẹp, khang trang, vợ chồng ông Mai đang chăm sóc mấy chậu cây cảnh. Họ cười đùa, nói chuyện vui vẻ với nhau chẳng khác nào một cặp đôi lúc mới yêu. "Cưới nhau suốt từ năm 1988 đến giờ, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm nhưng chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì có nhau, có được cơ ngơi như hôm nay", bà Mùi chia sẻ.

Ông Mai cho biết thời trai trẻ ngày nào cũng đi đò sang xã Minh Tân bán vôi. Rồi một hôm ông gặp bà Mùi ra mua vôi. Cả hai cảm mến nhau từ cái nhìn đầu tiên. Họ yêu nhau từ bao giờ không biết. Ban ngày bận việc, chỉ buổi tối hai người mới có thời gian hò hẹn, tâm sự. Nhưng đò không hoạt động về đêm, ông Mai không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bơi sông sang với người yêu. Ông cẩn thận gói ghém quần áo trong túi ni lông, buộc lên đầu rồi bơi. Sông Thái Bình rộng, sóng nước có ngày cuồn cuộn chảy nhưng chẳng thể ngăn cản được khát vọng tình yêu trong ông.

Mùa đông đến, ông Mai thường nhờ thuyền của những người đánh cá trên sông chở sang bên kia bờ. Những ngày không có thuyền hoặc khi trời có mưa bão là lòng ông buồn rười rượi vì không được sang với người mình yêu, lại không có điện thoại để liên lạc như bây giờ. Bà Mùi cảm nhận được tình cảm chân thành của ông Mai thì quyết tâm vượt lên tất cả tác động, rào cản. "Bố mẹ tôi cấm đoán, muốn tôi lấy chồng ở làng cho gần gũi. Rồi cũng có mấy người con trai khác thường xuyên đến tìm hiểu tôi. Nhưng tôi vẫn một lòng hướng về anh ấy. Một khi đã yêu rồi thì không gì ngăn cản được", bà Mùi bộc bạch.

Hai năm kiên trì, ông Mai cuối cùng cũng thuyết phục được bố mẹ vợ tương lai. Chuyện tình anh bán vôi quê Hải Dương và cô gái mua vôi quê Bắc Ninh kết thúc bằng một đám cưới đẹp. 35 năm nên nghĩa vợ chồng, ông bà đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống bằng tình yêu thương nhau chân thành. Từ chỗ chỉ làm nông nghiệp thuần tuý, vợ chồng ông Mai, bà Mùi giờ đã trở thành chủ một xưởng chế biến cà rốt với hơn 60 lao động, cuộc sống sung túc, khá giả. 3 người con trai của ông bà đều đã xây dựng gia đình, có việc làm ổn định.

Góp tiền mua mủng sang sông tìm vợ

am92.jpg
Khúc sông xưa kia anh Lập thường ngày bơi sang sông tìm vợ giờ trở thành nơi nuôi cá lồng, tàu bè qua lại tấp nập

Thôn Hữu Chung (xã Hà Thanh, Tứ Kỳ) và thôn Cung Chúc (xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) nằm đối diện hai bên bờ sông Luộc. Tuy cách trở nhưng từ xa xưa nhân dân hai thôn sống khá thân thiết, thường xuyên giao lưu, trao đổi hàng hoá. Không ít trai gái hai thôn cũng vì mối quan hệ gần gũi này mà đã nên duyên vợ chồng.

Cùng tôi ngồi uống trà bên bờ sông Luộc một buổi chiều lộng gió, ký ức về một thời yêu đương lại ùa về trong tâm trí anh Phạm Văn Lập (51 tuổi, ở thôn Hữu Chung). Cho tôi xem bức ảnh cưới của mình chụp cách đây hơn 20 năm, anh Lập bồi hồi: "Mối tình của tôi cũng gắn chặt với dòng sông này. Đám cưới ngày ấy đơn giản nhưng vui lắm. Gia đình, họ hàng, bạn bè đứng chật kín chiếc thuyền gỗ đưa tôi sang bên kia sông đón dâu. Giờ nó trở thành kỷ vật quý của vợ chồng chúng tôi".

Trước khi đám cưới diễn ra, anh Lập có quãng thời gian khá dài miệt mài chinh phục ý trung nhân. Ban ngày bận đi làm, chỉ có buổi tối anh mới có thời gian sang tìm hiểu người mình yêu. Sau bữa cơm tối, anh Lập cùng mấy thanh niên trong thôn thường phải bơi sông sang bờ bên kia. Thấy vất vả, mấy anh em góp tiền, lên tận chợ huyện Ninh Giang mua một chiếc mủng làm bằng nứa, đem về sơn, phơi khô để làm phương tiện qua sông. "Có hôm đang ở giữa dòng thì bất ngờ cái mủng bị bục đáy. Anh em nhảy xuống bơi, người sũng nước. Lên bờ, chúng tôi vắt khô quần áo rồi lại tiếp tục vào nhà bạn gái chơi", anh Lập cười nói.

Bây giờ đã có cầu bắc ngang sông Luộc, nối hai huyện Tứ Kỳ và Vĩnh Bảo, việc đi lại của người dân hai thôn không còn vất vả như trước. Nhưng với vợ chồng anh Lập, mỗi khi nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá nhẹ nhàng lướt sóng trên sông là những ký ức, kỷ niệm đẹp đẽ về một thời "gõ cửa trái tim" lại hiện về. "Dòng sông thật đặc biệt, cung cấp nước, tôm cá, phục vụ việc đi lại, rồi còn cho chúng tôi tìm thấy tình yêu của đời mình", anh Lập chiêm nghiệm.

Ngày nay, giao thông đi lại thuận lợi, vẫn có người ở bờ sông bên này kết duyên với người ở bờ sông bên kia. Song, hình ảnh những chàng trai bơi sông đi tìm ý trung nhân hay những đám cưới rước dâu bằng thuyền trên sông chỉ còn lại trong ký ức.

Sông vẫn chảy, người già đi theo năm tháng nhưng những câu chuyện trên đã trở thành một minh chứng tốt đẹp, tô đậm thêm văn hoá về dòng sông, về đời người và tình yêu...

-----------------------------

Kỳ sau: Dạt dào nỗi nhớ

BÌNH MINH