Khơi dòng phát triển: Bài 1 - Mạch nguồn sinh kế từ những dòng sông
Trường đoạn cuối của chuyên đề dòng sông khát vọng là Khơi dòng phát triển gồm các bài: Mạch nguồn sinh kế, Vẽ tương lai bên những dòng sông, Tỏa đi muôn hướng.
Hải Dương nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với hệ thống sông ngòi chằng chịt nên được trời phú cho lớp phù sa màu mỡ. Đây là mạch nguồn kiến tạo nên những cánh đồng ngát xanh, những sinh kế bắt đầu từ sông.
Trù phú
Hồi còn trên ghế nhà trường, một trong những bài học địa lý mà tôi ấn tượng nhất, cũng rất đỗi tự hào là về lịch sử kiến tạo và những giá trị của vùng châu thổ sông Hồng. Theo sách giáo khoa địa lý, chỉ tính riêng sông Hồng, lượng phù sa đã rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm, tức là gần 1,2 kg phù sa/m3 nước. Lượng phù sa màu mỡ đã bồi đắp nên những cánh đồng ngô, cà rốt, khoai lang… mướt xanh dọc các cung đường. Đi đến đâu trên dải đất Hải Dương cũng có thể bắt gặp những cánh đồng ngoài bãi trù phú.
Về xã Nhân Huệ (Chí Linh), đứng trên đê sông Kinh Thầy phóng tầm mắt ra tứ phía, tôi vô cùng thích thú. Bên đây là cánh đồng cà chua, cà rốt OCOP 4 sao của xã Nhân Huệ, bên này là cánh đồng cam “xách tay” của gia đình anh Phùng Văn Đại ở thôn Đáp Khê cùng xã. Phía mạn sông xa hơn chút là hơn 300 lồng nuôi cá của người Nhân Huệ. Nhìn sang mạn bên kia bờ sông Kinh Thầy là san sát những lồng nuôi cá của người dân huyện Nam Sách. Cảm giác no đủ thật đã mắt.
Thả bộ xuống khoảng trăm mét, chúng tôi vào thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Phùng Văn Đại. Từ một người “zero” về kiến thức nông nghiệp, sau gần chục năm, trang trại rộng 8 mẫu của anh đã xanh mướt. Ngoài 100 gốc cam Vinh, từ năm 2022, anh Đại đã du nhập giống cam “xách tay” (lấy giống từ Đài Loan) về trồng ghép trên những gốc bưởi Diễn. Cả hai giống cam đều được anh trồng bằng phương pháp hữu cơ. Năm nay mới là năm đầu vườn cam “xách tay” được bói quả nhưng theo ước tính của anh Đại, vườn cam cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả, tăng 24 tấn so với mùa cam năm trước, có thể thu lãi tầm 300 triệu đồng trở lên.
Nguồn lợi lớn
Trong câu chuyện với anh Đại và anh Trần Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Chí Linh, chúng tôi thấy điểm chung là họ đều nhận thấy giá trị của những vùng đất bãi ven sông màu mỡ và anh Đại cũng như bao người ở Nhân Huệ, Đức Chính… đã tận dụng được để nhân đôi, nhân ba giá trị. Điều đó càng được khẳng định khi chúng tôi trò chuyện với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Lương Thị Kiểm. Bà Kiểm lấy một ví dụ rất đơn giản: Nếu trồng lúa trong đồng cho lãi 100-150 triệu đồng/ha/năm, trung bình giá trị sản xuất nông nghiệp của Hải Dương năm 2023 là 198,6 triệu đồng/ha thì riêng các vùng đất bãi ven sông có thể cho thu lãi từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Hải Dương hiện có hơn 1.500 ha trồng cà rốt thì có tới 90% diện tích ở khu vực bãi sông. Trồng trong tỉnh chưa đủ, người dân Hải Dương còn thuê khoảng 500 ha đất bãi ven sông Thái Bình của các tỉnh lân cận để trồng cà rốt. Mỗi năm sản lượng cà rốt thu được hơn 64.000 tấn, trong đó 90% được xuất khẩu.
Những khu vực bãi sông gần cửa biển như Thanh Hà, Tứ Kỳ, một phần Kinh Môn được người dân tận dụng canh tác lúa hữu cơ cộng với khai thác rươi, cáy thì giá trị thu được còn cao hơn. Điển hình như huyện Tứ Kỳ hiện có 8 vùng khai thác rươi cáy kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 367 ha. Vùng bảo tồn, khai thác rươi cáy cho thu nhập từ 350- 450 triệu đồng/ha/năm, giá trị đạt 120-150 tỷ đồng/năm. Hay ở Thanh Hà có 168 ha khai thác rươi, tập trung ở các xã: Vĩnh Lập, Thanh Xuân...
Hải Dương còn là một trong những vựa cá lồng của khu vực. Đến Nam Tân, nơi được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá lồng ở Hải Dương có thể thấy rõ điều đó. Chưa đầy 5 km sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn xã này có tới gần 1.100 lồng nuôi cá của hơn 60 hộ dân. Nơi đây đã hình thành cộng đồng dân cư nhỏ cùng sinh sống gắn kết với nghề nuôi cá lồng.
Ông Trần Văn Đương ở Nam Tân hiện có 40 lồng nuôi cá. Theo ông Đương, nuôi cá ở sông có thể thực hiện với quy mô lớn vì nước sông luôn sạch, cá sống khỏe hơn nuôi trong ao. Sau khi thu hoạch, mỗi lồng lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. “Đã gắn bó và trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi cá lồng nên tôi có thể khẳng định, không nghề chăn nuôi nào hiệu quả như nuôi cá lồng”, ông Đương nói. Cũng nhờ nuôi cá lồng, một số cái tên đã lọt vào danh sách tỷ phú như hộ ông Nguyễn Văn Thường ở phường Nam Đồng, ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân…
Theo số liệu của Cục Thống kê, Hải Dương hiện có 7.358 lồng đang nuôi, sản lượng cá đạt trên 20.000 tấn, chiếm gần 22% sản lượng thủy sản toàn tỉnh.
Người nông dân cũng đang chuyển từ bán sản phẩm sang bán những câu chuyện như cách Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng gợi ý. Lễ hội vải thiều ở Thanh Hà, lễ hội cà rốt ở Cẩm Giàng, lễ hội lúa rươi ở Tứ Kỳ và tới đây là lễ hội hành tỏi ở Kinh Môn là những ví dụ...
Kỳ sau: Vẽ tương lai bên những dòng sông