Tập đoàn công nghệ Baidu gặp khó sau khi thương vụ bạc tỷ sụp đổ
Thương vụ mua lại trị giá 3,6 tỷ USD giữa Baidu và Joyy - chủ sở hữu của nền tảng phát trực tiếp YY Live - thất bại vì hai bên không đáp ứng điều kiện nhất định trước hạn cuối ngày 31/12/2023.
Nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh phát trực tiếp (live streaming) tại Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn doanh thu của Baidu đã chịu một đòn giáng mạnh với sự sụp đổ của thương vụ mua lại trị giá 3,6 tỷ USD theo kế hoạch.
Một trong những công ty liên kết của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã chấm dứt thỏa thuận đạt được hồi năm 2020 với Joyy - chủ sở hữu của nền tảng phát trực tiếp nổi tiếng YY Live tại Trung Quốc và đã được niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) hôm 1/1, Baidu cho biết thỏa thuận trên đã thất bại vì hai bên không đáp ứng được một số điều kiện nhất định trước thời hạn cuối cùng là ngày 31/12/2023. Một trong số đó bao gồm việc không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thương vụ theo quy định.
Trong một thông báo cùng ngày, Joyy cho biết họ đã nhận được thông báo về quyền hủy giao dịch từ phía công ty liên kết của Baidu.
Joyy hiện sở hữu một số nền tảng streaming và có khoảng 277 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu.
Trước đó vào tháng 11/2020, Baidu - công cụ tìm kiếm thống trị thị trường Internet của Trung Quốc đã thông báo đồng ý mua YY Live trong nỗ lực tăng doanh thu từ các nguồn khác ngoài quảng cáo. Các bên dự kiến thỏa thuận sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2021.
Vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành (CEO) của Baidu, ông Robin Li cho hay thương vụ trên sẽ đưa Baidu trở thành nền tảng hàng đầu về lives treaming đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu tại Trung Quốc.
Giống như các nền tảng phát trực tiếp khác ở Trung Quốc, YY Live kiếm tiền từ người dùng mua quà tặng ảo cho người biểu diễn.
Joyy báo cáo doanh thu ròng đạt 567,1 triệu USD trong quý 3/2023, giảm so với 586,7 triệu USD của cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ live streaming giảm gần 9% xuống còn 495,8 triệu USD.
Từ cuối năm 2020, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát những công ty mà họ coi là có ảnh hưởng quá lớn, đặc biệt tập trung vào nhóm “đại gia” công nghệ (hay Big Tech).
Nhưng khi triển vọng kinh tế xấu đi, Chính phủ Trung Quốc đã có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp trừng phạt, thường xuyên đề cao vai trò của các công ty công nghệ trong nền kinh tế.