Ký ức sông quê: Bài 5 - Những chuyến đò quê xưa
Với nhiều người, hình ảnh con đò quê xưa cần mẫn nắng mưa đưa đón khách sang sông, tiếng gọi “đò ơi” da diết, thân thương vang lên mỗi sớm chiều… níu giữ bao kỷ niệm giữa dòng trôi.
Gần cả cuộc đời đi đò qua sông
Ngày xưa, khu Hà Đông của huyện Thanh Hà là một “ốc đảo”, được bao bọc bởi 4 con sông Thái Bình, Văn Úc, Mía và Gùa. Hằng ngày, người dân nơi đây phải qua những con đò, phà “không số” để lên huyện và những nơi khác. Năm 2010, cầu Hợp Thanh nối những xã khu đảo này với huyện lỵ Thanh Hà được khánh thành thay thế cho phà Gùa. Tuy nhiên, để lên TP Hải Dương hoặc Hà Nội, nhiều người vẫn chọn đi qua bến đò Bầu nối xã Thanh Hồng (Thanh Hà) và Chí Minh (Tứ Kỳ) vì quãng đường này gần hơn so với qua trung tâm huyện Thanh Hà.
Ông Nguyễn Ngọc San (80 tuổi), ở thôn Phù Tinh, xã Thanh Quang (Thanh Hà) gần cả cuộc đời đi đò qua sông. Hôm nay, ông qua đò về quê ngoại huyện Gia Lộc để giỗ mẹ. Tiếng máy đò xình xịch chạy, chỉ vài phút sau ông đã sang bờ bên kia chứ không phải mất hàng tiếng như trước. Ông ngẩn ngơ nhìn dòng sông và bao ký ức ùa về. Bố mất khi ông còn nhỏ, mẹ về quê ngoại Gia Lộc tái giá. Hai anh em ông ở với bà nội. Những ngày tháng giêng giá lạnh, mưa dầm gió bấc, hai anh em nhớ mẹ, ra bến sông nhưng trời tối, gió to, đò không chở nữa. Hai anh em cứ đứng mãi bên bờ sông mà nhìn về phía bờ bên kia, mắt ầng ậng nước. Lớn lên, ông đi học cấp ba ở huyện Tứ Kỳ, mỗi tuần phải qua đò 2-3 lần. Lúc ấy chỉ có đò tre, chèo bằng tay, chở tối đa được chục người. Mùa bão, nước lũ dâng cao, con sông Thái Bình khi bình thường hiền hòa là thế, nhưng vào những ngày ấy, nước chảy mạnh cộng với gió giật khiến đò cứ chòng chành. Có lần ra giữa sông thì đò bị thủng, nước tràn vào, ông và những người trên đò phải vội vàng cởi áo nhét vào chỗ thủng, ngăn nước vào đò.
Với ông San, những chuyến đò quê ngày xưa chở nặng tình người, tình quê chân chất. Năm tháng qua đi, ông làm việc ở TP Hải Dương nhưng vẫn hằng ngày đi đò về nhà. Có buổi ông đi đò Gùa, lúc tiện đường thì đi đò Bầu. Những buổi sáng sớm qua đò Gùa, ông thường gặp ông Nguyễn Văn Cân, thương binh cụt 2 tay ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cần mẫn đi xe đạp mang cáy sang huyện Nam Sách bán. Người thương binh này đã thắp sáng thêm tinh thần “tàn nhưng không phế”, tay cụt nhưng trí không cùn, khiến những người đi đò cảm phục và luôn dành cho ông những chỗ lên xuống thuận tiện nhất. Khi cầu Hợp Thanh được xây dựng, ông San không còn gặp ông Cân nữa.
Bây giờ, khách qua đò mỗi ngày mỗi ít, vì phương tiện đi lại thuận lợi hơn trước, người đi chợ Yên ở huyện Tứ Kỳ cũng không còn nhiều. Nhưng với những người như ông San thì những năm tháng xưa qua đò vẫn luôn là ký ức không thể nào quên.
Nhớ da diết
Nhà ông Bùi Văn Thanh ở khu dân cư Hán Xuyên, phường Thất Hùng (Kinh Môn) chỉ cách bến phà Triều vài bước chân. Chiều cuối đông, ông lẳng lặng ra bến sông hoang vắng, đìu hiu vì thiếu dấu chân người. Ông đứng nhìn sang bờ bên kia ở phường Hồng Phong (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) mà thấy lòng chùng xuống, nhớ da diết những năm tháng lái đò, phà. Hình ảnh những ngày giáp Tết người người xếp hàng mua vé, hối hả xuống phà đã lùi về ký ức.
Ông Thanh làm nghề lái đò, phà ở bến phà Triều từ năm 1992, đến năm 2021 thì nghỉ do khánh thành cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, kết nối Quảng Ninh với Hải Dương. Bến phà Triều ngày ấy có 3 con đò, 2 phà thay nhau chở khách sang sông.
Một ngày cuối năm 1995, lúc phà rời bến thì bị một con thuyền xi măng nhỏ đâm phải, khách qua sông hốt hoảng, la ó. Thuyền xi măng bị chìm, hôm sau mới nổi lên, còn người lái thuyền bơi được vào bờ. Ngày xưa đoạn ấy khá nông, có 2 thoi cát bồi giữa sông, chứ không sâu như bây giờ. Có hôm phà ra giữa sông, chân vịt bị dây leo quấn, không thể di chuyển, phải gọi cứu hộ. Hành khách an toàn lên bờ, nhưng ông Thanh và đồng nghiệp phải ngụp lặn cả đêm giữa thời tiết giá rét để xử lý sự cố. Có một đám cưới qua sông từ bên Đông Triều về Kinh Môn, đang đi thì phà bị chết máy, gần tiếng sau mới vào bờ, thế là qua giờ lành, giờ tốt. Cả nhà trai, nhà gái đều vui vẻ chấp nhận, thông cảm cho người lái phà. Rồi có hôm, đồng nghiệp của ông đang lái thì trên phà có một phụ nữ bị tâm thần nhảy xuống sông, phải vội vàng trao tay lái cho người lái dự bị để nhảy xuống cứu người đưa lên bờ.
Gần 30 năm lái đò gian truân nhưng đầy hạnh phúc, trời phú cho ông Thanh có sức khoẻ tốt, bơi lội giỏi. Và đối với ông, hình ảnh những chuyến đò, phà vẫn còn mãi vẹn nguyên, đâu thể nói hết bằng lời.
Theo cha lái đò
Một buổi sáng mùa đông gió thổi lồng lộng, chúng tôi đến bến đò Kênh Dương (xã Hiệp Cát, Nam Sách) qua sông Kinh Thầy nối với xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Trên bến có vài người đang chờ đò, rì rầm nói chuyện. Hỏi thăm lái đò, một người đàn ông hơn 40 tuổi, đầu tóc gọn ghẽ đứng lên chào. Anh giới thiệu là Phạm Văn Anh, sinh năm 1982, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cát Khê, xã Hiệp Cát. Anh Văn Anh kể, anh nối nghiệp cha mình từ năm 2002. Do là gia đình chính sách, khoẻ mạnh, nên gần 40 năm trước, cha anh mới thuộc diện ưu tiên được lái đò. Lúc bấy giờ khó khăn, được lái đò còn có đồng ra đồng vào, có tiền đong gạo.
Năm tháng tuổi thơ, anh theo những chuyến đò cha chở khách qua sông sang chợ Đò ở xã Trung Kênh chơi. Thi thoảng, mang cơm ra bến cho cha, nghe những tiếng giằng co vang lên, anh ngoảnh lại thì ra họ giằng co là để giành phần trả tiền đò. Có đáng bao nhiêu tiền đâu nhưng đó là cách mà người dân quê anh đối đãi, trân trọng nhau...
Ngày xưa, trên khúc sông này đông vui. Nếu đi Hà Nội thì nhiều người sẽ chọn đường này vì gần hơn khoảng 25-30 km. Có nhiều người chở nông sản, ít tôm cá sang bên kia bán và ngược lại vì hai bên đều có chợ. Mỗi lần đợi đò là một lần họ gặp nhau, người lạ cũng nhanh chóng thân quen, người quen lại ngỡ như lâu lắm rồi mới có dịp hội ngộ.
Trên chuyến đò quê như thế, anh cũng xốn xang, ngây ngất với ánh mắt, nụ cười mang màu nắng của cô gái bên kia sông, rồi đêm về thao thức. Và tất nhiên, chuyến đò quê ngày nào cũng đã lưu giữ những rung động đầu đời của chàng thanh niên ấy.
Nhà anh cùng 2 gia đình khác thầu bến sông này để chở khách sang sông. Bây giờ công việc của cán bộ thôn khá bận, anh ít có thời gian ở bến sông. Và vợ anh không phải là cô gái bên kia sông nhưng những ký ức đẹp về thời theo cha qua đò, khúc sông xưa làm anh nhớ mãi.