Hải Dương triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu ra sao?
Theo quy định, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế.
Cơ sở vẫn "kêu khó"
Sáng 1/1, chúng tôi tới cây xăng ở thôn An Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) mua xăng. Khi tôi hỏi nhân viên mới nói có xuất hóa đơn cho khách nhưng đang ngày Tết dương lịch, kế toán nghỉ nên bảo tôi để lại thông tin, mã số thuế, email hoặc Zalo để "tối nay kế toán gửi hóa đơn cho". Đại diện cửa hàng này cho biết đã nắm được thông tin bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử cho khách nhưng ngày nghỉ, chưa lắp được máy xuất hóa đơn tại cây xăng. Khi có máy bất kể khách hàng nào cũng có thể xuất hóa đơn, kể cả người dân bình thường, không cần mã số thuế.
Cửa hàng Xăng dầu Quán Ngái ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) cũng không xuất hóa đơn tại chỗ cho khách, khách muốn lấy hóa đơn phải để lại thông tin để kế toán gửi sau.
Để xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối với cơ quan thuế, mỗi cây xăng phải đầu tư thêm cả trăm triệu đồng mua phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ đo đếm tại mỗi cột bơm xăng dầu.
Ngoài việc thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các cửa hàng xăng dầu phải có một trong các loại hình, phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu, bảo đảm kết quả đó được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu của ông Nguyễn Đình Pha (Kinh Môn) đã hoạt động hơn 20 năm nên các trụ bơm đều phải nâng cấp mới có thể ứng dụng công nghệ này. Đến giờ ông Pha vẫn chưa biết cần bao nhiêu tiền để nâng cấp và cài đặt phần mềm, kết nối…
Còn ông Trịnh Thái Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại và Dịch vụ Thái Sơn (Chí Linh) chia sẻ, năm 2020 cây xăng tư nhân của ông mới đầu tư 107 triệu đồng để nâng cấp, kết nối cả 6 trụ bơm bảo đảm yêu cầu. Giờ việc xuất hóa đơn cho mỗi lần xuất bán hàng sẽ tốn tới 188 triệu đồng, trong khi chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho bán lẻ đang “thả trôi” theo thị trường và bình quân chỉ khoảng 400-600 đồng/lít.
Một số ý kiến khác thì lo lắng về các tình huống mất kết nối internet; không đồng bộ về phần mềm, về thiết bị giữa các nhà cung cấp giải pháp; cách xử lý khi khách mua hàng không lấy hóa đơn…
Chi nhánh PVOil Hải Dương chủ yếu bán lẻ xăng dầu các loại với 16 cửa hàng ở 9/12 địa phương (trừ 2 huyện Bình Giang, Thanh Hà và TP Hải Dương). Theo ông Hoàng Mạnh Hồng, phụ trách chi nhánh này, để thực hiện xuất hóa đơn điện tử cho mỗi lần bán hàng, chi nhánh có khó khăn do hầu hết các cây xăng đều mua lại hoặc thuê lại của các doanh nghiệp, cá nhân nên không đồng bộ. Nhiều trụ bơm xăng phải nâng cấp mới bảo đảm cài đặt phần mềm và kết nối với cơ quan thuế.
Tìm cách tháo gỡ
Những băn khoăn nêu trên đang được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Ngay tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức hôm 22/12/2023, các nhà mạng VNPT, Viettel và Công ty CP MISA đã gợi ý các phương án cho từng loại trụ bơm xăng; các loại phần mềm kết nối các trụ bơm với cơ quan thuế, kết hợp các giải pháp tăng cường quản trị kinh doanh, quản lý hoạt động doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Vật tư Xăng dầu Hải Dương gợi ý phương án hỗ trợ các đơn vị nhượng quyền bán lẻ nhằm giảm chi phí hóa đơn cho mỗi lần bán hàng. Theo đó, nếu cùng sử dụng gói lượng hóa đơn bán lẻ lớn, các cửa hàng có thể giảm được 50-75% chi phí hóa đơn.
Theo Cục Thuế tỉnh, từ ngày 1/7/2022, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực thi hành, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp triển khai thành công việc đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử, gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Hải Dương.
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hải Dương đã thực hiện hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng từ ngày 15/6/2023 tại 36 cửa hàng trực thuộc trên địa bàn Hải Dương. Hóa đơn phát hành cho khách hàng đầy đủ các thông tin họ tên khách hàng, đơn vị, mã số thuế… và từ ngày 1/9/2023 thêm cả biển số phương tiện mua xăng dầu.
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex 14 ở phường Long Xuyên (Kinh Môn) mỗi ngày xuất bán khoảng 7000 lít xăng dầu. Theo bà Trương Thị Quyên, Cửa hàng trưởng, cửa hàng này đã thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán từ tháng 9/2023. Bà Quyên cho biết, việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng được triển khai thuận lợi. Một số khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn chủ yếu là các doanh nghiệp, người cần tính chi phí đi đường để thanh toán với cơ quan, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, quy trình xuất hóa đơn thông thường tại các cửa hàng xăng dầu gần như không thông dụng bởi sự phức tạp, thủ công và tốn thời gian của cả người bán và người mua. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng ai cần hóa đơn thì viết, không thì thôi. Đây chính là kẽ hở cho gian lận trong việc hợp thức hóa hóa đơn lĩnh vực xăng dầu. Không ít cửa hàng xăng dầu có thể gom đầu số lượng xăng dầu bán ra cho những người mua không cần hóa đơn để bán lại cho những người cần hóa đơn dù không giao dịch mua bán.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ là giải pháp minh bạch hóa, chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu mà còn hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng và ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; giảm chi phí in ấn hóa đơn, bảo đảm an toàn lưu trữ thông tin…
Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 2 công điện về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 160 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 257 cửa hàng và 1.181 cột bơm. Trong đó có 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trực tiếp nộp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh Hải Dương; 9 doanh nghiệp thương nhân phân phối; 147 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu...