Khơi dòng phát triển:Bài cuối - Tỏa đi muôn hướng
Những định hướng phát triển giao thông vận tải thủy nội địa ở Hải Dương trong tương lai hứa hẹn sẽ mở "cánh cửa” rộng để ngành này phát huy hết tiềm năng, lợi thế, tỏa đi muôn hướng.
Tiềm năng lớn
Một sáng cuối năm, chúng tôi đến Cảng thủy nội địa Hoàng Anh (TP Hải Dương). Trên sông, hàng chục chiếc thuyền, xà lan neo đậu. Trên bờ, máy cẩu chân đế, gầu ngoạm nhịp nhàng xếp dỡ hàng. Xe vận tải lớn nhỏ nối đuôi nhau vào cảng. Tiếng máy nổ, băng tải, tiếng xe chạy tạo nên không khí nhộn nhịp, khẩn trương.
Anh Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Cảng thủy nội địa Hoàng Anh cho biết, sản lượng bốc xếp trung bình hằng tháng tại cảng khoảng 50.000 tấn. Thời gian cao điểm trong năm thường từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Hàng hóa chính được bốc xếp tại cảng Hoàng Anh là nông sản, thức ăn chăn nuôi như lúa mạch, bã đậu tương rời… phục vụ cho các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp của Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Từ khu vực cảng này, theo dòng sông Thái Bình, những con tàu tỏa đi muôn hướng…
Hải Dương đang nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển giao thông đường thủy nội địa. Hệ thống sông phân bố đều khắp các địa phương, kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và các vùng trong cả nước. Hệ thống báo hiệu trên các tuyến sông đã tương đối hoàn thiện. Hành lang các tuyến sông đang được cắm mốc giới quản lý đầy đủ. Đặc điểm của các dòng sông là có điều kiện địa chất thủy văn ổn định, ít xói lở, dòng chảy ôn hoà, không có thác ghềnh. Đặc biệt, Hải Dương có 2 tuyến hành lang đường thủy nội địa quan trọng khu vực phía Bắc đi qua gồm: Tuyến số 1 (Quảng Ninh – Hải Phòng - Việt Trì) và tuyến số 2 (Quảng Ninh – Hải Phòng - Ninh Bình).
Nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa
So với các phương thức vận tải khác, vận tải đường thủy nội địa chi phí thấp, nhất là đối với cự ly vận chuyển dài, vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng, hàng container và hàng có khối lượng lớn. Trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt phục vụ vận tải chi phí đầu tư, bảo trì rất lớn, mặt bằng xây dựng, mở rộng gặp nhiều khó khăn, thì Hải Dương có nhiều tuyến sông chảy qua, vận tải đường thuỷ nội địa có nhiều tiềm năng. Việc phát triển giao thông đường thủy còn góp phần giảm áp lực cho mạng lưới giao thông đường bộ đang quá tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, sản lượng và thị phần của vận tải thủy nội địa tại Hải Dương vẫn còn khá khiêm tốn ở con số 40-60 triệu tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Chính Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hòa HD ở huyện Thanh Hà - doanh nghiệp chuyên vận tải thủy nội địa, trong chuỗi logistics xanh, vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải đang được tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam nỗ lực xây dựng và phát triển. Việc tận dụng ưu thế địa lý, điều kiện tự nhiên của Hải Dương và các lợi thế của vận tải thủy để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa là rất cần thiết.
Trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng về phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa được quan tâm. Tỉnh xác định phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa gồm tuyến đường thủy nội địa Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình. Phát triển 30 cảng thủy nội địa cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn; 4 cảng thuộc cụm cảng sông Thái Bình; cảng Ninh Giang thuộc cụm cảng sông Luộc. Phát triển 6 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý. Nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia; phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông trung ương...
Ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết sở đã chủ động xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương” tham mưu báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Đề án tập trung giải quyết các bất cập kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, từng bước nâng cao tĩnh không các cầu; khơi thông nạo vét luồng; xây dựng các cụm cảng, cụm bến, các tuyến kết nối cảng, bến với đường bộ, đường sắt hiện trạng và quy hoạch để phát triển vận tải thủy. Từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hải Dương hiện có 20 tuyến đường thủy nội địa dài 418,5 km. Trong đó có 14 tuyến sông và đoạn sông do Trung ương quản lý dài 296,5 km, gồm các sông: Thái Bình, Văn Úc, Gùa, Mía, Thương, Luộc, Kinh Thầy, Kinh Môn, Mạo Khê, Lai Vu, Phi Liệt, Sông Hàn, Cầu Xe và Lạch Tray. 6 tuyến sông do địa phương quản lý với tổng chiều dài 122 km gồm các sông Sặt, Cửu Yên, Đình Đào, Tứ Kỳ, Cầu Xe, Ghẽ.
Hải Dương có 49 cảng thủy nội địa và 403 bến thủy nội địa đang hoạt động. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 2.000 phương tiện thuỷ nội địa, nhiều phương tiện thủy sông pha biển với tải trọng hàng nghìn tấn. Hải Dương có 14 cơ sở đóng mới, hoán cải sửa chữa phương tiện thủy được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận năng lực đóng mới, sửa chữa các phương tiện có trọng tải đến 15.000 tấn...