Israel muốn kiểm soát hoàn toàn biên giới Gaza-Ai Cập
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới Gaza - Ai Cập, đồng thời phi quân sự hóa vùng đất của người Palestine.
Hãng RT dẫn lời Thủ tướng Israel khẳng định giành toàn quyền kiểm soát khu vực biên giới Gaza-Ai Cập là cách duy nhất để đạt được mục tiêu phi quân sự hóa vùng đất của người Palestine và ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 30/12 khi Israel bước vào tuần thứ 13 của cuộc chiến với phong trào Hồi giao Hamas, ông Netanyahu dự đoán rằng cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng nữa, bất chấp sức ép ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Israel cũng nhắc lại hai kế hoạch là loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas và giải phóng tất cả các con tin Israel. Ông hứa rằng Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel.
Ông Netanyahu cho biết thêm chính phủ sẽ lập các kế hoạch quan trọng nhằm khôi phục an ninh tại các thành phố và khu định cư bị Hamas tấn công tàn khốc hôm 7/10 và tạo điều kiện cho người dân trở về an toàn.
Ông tuyên bố hành lang Philadelphia - hay nói chính xác hơn là điểm kiểm soát ở phía Nam của Gaza - phải nằm trong quyền kiểm soát của Israel để đảm bảo mục tiêu phi quân sự hóa.
“Với tư cách là thủ tướng, tôi đã bác bỏ sức ép quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh trước khi chúng tôi đạt được những mục tiêu này”, ông Netanyahu nói thêm. Ông cũng ca ngợi Mỹ vì đã chấp thuận cung cấp thêm trang thiết bị chiến tranh cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Ông Netanyahu không nói rõ liệu ông có kế hoạch đặt khu vực này dưới sự kiểm soát độc quyền của Israel sau khi rút lui khỏi đây từ năm 2005 hay không. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần lưu ý không cho phép Chính quyền Palestine - hiện điều hành khu vực Bờ Tây - chịu trách nhiệm về vùng đất Gaza sau chiến tranh.
Tuyên bố của ông Netanyahu được đưa ra vài ngày sau khi Nam Phi đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở Hà Lan, với cáo buộc “diệt chủng” người dân Palestine ở Gaza. Nam Phi đề nghị ICJ có các biện pháp tạm thời để bảo vệ các quyền của người Palestine theo công ước trên, đồng thời bảo đảm Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước.
Israel đã bác bỏ cáo buộc trên là phi thực tế và không có giá trị pháp lý. Theo Tel Aviv, phong trào Hamas đã sử dụng dân thường làm lá chắn sống gây thương vong lớn cho người dân Gaza.
Đây là động thái mới nhất của Nam Phi liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza. Tháng 11 vừa qua, các nghị sĩ Nam Phi đã bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa Đại sứ quán Israel ở Pretoria và đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao cho đến khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát, hơn 21.600 người đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc không kích và tấn công trên bộ vào vùng đất này từ ngày 7/10. Gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.
Israel đã tuyên chiến với Hamas và các chiến binh Palestine khác sau khi họ tấn công các thành phố phía Nam Israel và giết chết hơn 1.200 người và bắt cóc khoảng 240 con tin.
Ngày 29/12, quân đội Israel cho biết đã tấn công vào các địa điểm của nhóm vũ trang Hezbollah ở khu vực Hamoul (miền Nam Liban). Các địa điểm bị tấn công bao gồm các điểm phóng rocket, một địa điểm quân sự và các cơ sở hạ tầng khác của Hezbollah. Các nhân chứng cho biết xe tăng Israel đã tiến sâu vào các quận ở trung tâm và phía Nam Dải Gaza trong đêm 29/12, cùng với đó là các đợt không kích và bắn pháo dữ dội.
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại diện thường trực Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện nếu các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah tại Liban nhằm vào nước này tiếp diễn.