Tết là vui
Tết là vui và cả nhà em có Tết ngay từ khi quây quần gói bánh chưng giữa niềm hạnh phúc được chia sẻ với mọi người.
“Xuân về rực thắm cành đào
Đung đưa trong nắng đón chào Tết sang”
Chỉ cần nghe hai câu thơ ấy thôi là không khí Tết cổ truyền lại ùa về. Cảm giác đó thật lâng lâng, khó tả, khiến lòng em xao xuyến. Cứ mỗi độ xuân về, em lại càng thêm yêu quê hương, yêu ông bà, bố mẹ, người thân.
Với em, Tết bắt đầu từ chiều tối ngày hai mươi sáu tháng chạp. Đó là khi mẹ em đi dạy về là cặm cụi rửa lá dong, ông nội ngồi chẻ lạt, còn bà nội lo đong gạo nếp, chuẩn bị đỗ để ngâm rồi dặn bố sáng mai dạy sớm đi mua thịt ba chỉ ở quán thịt sạch nhà bà Hồng.
Và sáng sớm ngày hai mươi bảy, trước khi đi làm, bố đã gọi em dậy để phụ giúp bà chuẩn bị gói bánh chưng. Thời tiết lúc này vẫn còn vương hơi lạnh mùa đông, có năm lạnh cóng, thêm chút mưa phùn của mùa xuân chớm tới nên cái rét thêm ngọt, thêm giá buốt. Nhìn đôi bàn tay của bà ửng đỏ, nhăn nheo vì vo gạo, đãi đỗ, rửa lá, thái thịt mà em thương quá! Em lăng xăng phụ bà lau lá, sắp mâm. Vừa phụ giúp bà, em vừa nghe bà đố:
- “Vườn xanh lại đóng khố xanh/Xung quanh trồng hành, thả lợn vào trong” là bánh gì?
Em chưa kịp trả lời thì em Cún từ trong phòng ngủ chạy ra lanh chanh nói:
- Con biết rồi bà ơi! Là cái bánh chưng.
Bà em cười hiền hậu khen Cún giỏi làm em hơi có chút ghen tị. Em cũng biết câu đố này, em cũng đã định nói rồi mà. Thấy em không vui, bà bảo:
- Chị Ngọc có đáp án nào khác không?
Em lắc đầu và nói:
- Cún đã nói đúng rồi bà ạ! Là cái bánh chưng. Câu đố này, mẹ con đã đố chị em con từ mấy hôm trước.
Bà gật đầu vui vẻ rồi giải thích cho hai chị em biết về nguyên liệu để gói bánh chưng gồm có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá rong, lạt...
- Còn hạt tiêu nữa bà nhỉ? – em vội góp lời.
Bà cười vui, nhìn vào tô đựng thịt và bảo:
- À đúng rồi, bà còn thiếu hạt tiêu nữa này. Con xuống bếp lấy giúp bà nhé!
Em vội chạy xuống bếp lấy hạt tiêu cho bà rồi ra ngồi xem bà gói bánh chưng. Bà nội em khéo tay lắm. Bà gói bánh chẳng khi nào phải dùng khuôn mà cái bánh nào cũng vuông vắn, xinh xắn. Cứ gói xong một cái bánh, bà lại nắn bốn góc cho thật đẹp rồi vỗ nhẹ cho gạo bao đều nhân bánh, sau đó bà buộc hai cái lại với nhau. Bà nói bánh chưng cũng như con người, phải có đôi, có cặp mới vui.
Xem bà gói một lúc lâu, em xin bà cho thử gói một cái bánh nhỏ. Đầu tiên, em đặt một sợi lạt xuống rồi lấy hai chiếc lá rong xếp úp mặt lá xuống dưới, lại xếp hai lá nhỏ hơn ngửa mặt lá lên, rồi em bắt chước bà cho gạo, đỗ, thịt lần lượt vào và gói lại. Hì hục một lúc lâu, em cũng đã hoàn thành một chiếc bánh chưng nhỏ nhưng chưa được vuông vắn. Nhưng bà vẫn khen em, bà còn bảo: “Khi nào bà già yếu, không gói được nữa thì cháu gói bánh chưng cho cả nhà nhé!”.
Nghe bà nói vậy, tự dưng em thấy buồn. Em liền bảo:
- Bà sẽ luôn khỏe mạnh. Bà đừng già đi bà nhé!
Bà em cười và nói:
- Cái tuổi nó đuổi cái xuân. Ai mà chẳng phải già hả cháu!
- Nhưng cháu không thích bà già đâu!
Em đã biết, cứ Tết đến, xuân về là mọi người đều chúc nhau tuổi mới. Em đã từng rất vui khi được mọi người chúc chóng lớn. Nhưng lúc này, em lại muốn mình mãi bé để bà nội mãi trẻ khỏe bên em.
Gói bánh xong, em theo chân bà đi luộc bánh. Từng chiếc bánh lần lượt được bà xếp vào cái nồi to đại. Rồi bà gọi ông em khênh giúp cái nồi ra ngoài vườn trước nhà. Giữa vườn có một khoảng đất trống, từ mấy hôm trước em đã thấy bà chỉ cho bố tìm gạch, xếp thành một ông đầu rau lớn. Nghe bà gọi cái bếp đun củi là ông đầu rau mà em cứ buồn cười mãi. Rồi bà nhờ ông xách một xô nước sạch đổ vào nồi, còn bà thì nhóm bếp. Những thanh củi gộc to được bà xếp vào bếp rất khéo, bà còn đổ rất nhiều trấu vào nữa. Bếp bắt đầu đỏ lửa, tiếng lửa reo tí tách rất vui tai. Em và Cún ngồi xem bà làm, vẻ mặt hai chị em đều rất háo hức. Chẳng mấy chốc, nồi bánh đã sôi sùng sục. Em Cún thỉnh thoảng lại hỏi bà:
- Bà ơi bánh chín chưa? Bao giờ thì bánh chín?
Bà cười hiền và giảng giải:
- Bánh nhà mình gói to lại luộc nồi cũng to nên phải mười tiếng mới chín ngon, bánh mới dền cháu ạ!
Em biết, năm nào bà em cũng gói nhiều bánh chưng vì bà muốn mang tặng cho mấy gia đình còn khó khăn trong thôn. Mỗi lần đưa bánh đi tặng, bà thường cho vào cái túi rất đẹp và cho em đi cùng.
Tết là vui và cả nhà em có Tết ngay từ khi quây quần gói bánh chưng giữa niềm hạnh phúc được chia sẻ với mọi người.