Giáo dục

Thanh Hà quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học

MN 20/02/2024 13:00

Thời gian qua, cơ sở vật chất trường học ở Thanh Hà được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

img_7091.jpg
Cô trò Trường THCS Chu Văn An (Thanh Hà) sôi nổi trong tiết học

Huyện Thanh Hà hiện có 60 trong tổng số 61 trường học đạt chuẩn quốc gia, cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Thành tích giáo dục của huyện luôn đứng tốp đầu. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm học 2022-2023.

Có được kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên các trường học và sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Hà. Song song với việc phát triển ổn định về chất lượng, cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực.

Năm học 2022-2023, huyện Thanh Hà đầu tư xây dựng 38 phòng học với tổng kinh phí khoảng 62 tỷ đồng. Hiện nay, Trường THCS Chu Văn An - trường chất lượng cao của huyện đang được đầu tư xây dựng 9 phòng với tổng kinh phí 12 tỷ đồng; Trường THCS Hồng Lạc đang xây 6 phòng học, nhà vệ sinh cùng với nhà đa năng có tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Cả 2 công trình này dự kiến hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ tháng 1/2024. Trường Tiểu học An Phượng, một trong những trường khó khăn nhất về cơ sở vật chất giai đoạn 2021-2022, cũng đang được xây 15 phòng học, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 2/2024. Trường Tiểu học Thanh Xuân dự kiến tháng 3/2024 sẽ khởi công xây dựng 12 phòng học mới, cải tạo một số phòng học khác và nhà hiệu bộ. Huyện phấn đấu đến năm 2024 có 10 trường được công nhận lại chuẩn sau 5 năm.

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn huyện Thanh Hà tương đối cao. Bậc mầm non đạt 99,02%; tiểu học 98,97%; THCS 98,42%. Trong năm học, các Trường Tiểu học Thanh Lang và Tiểu học Việt Hồng được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu “Trường tiêu biểu điển hình”.

Không chỉ quan tâm xây dựng các trường học khang trang, thân thiện, việc quy hoạch bổ sung diện tích đất cho các nhà trường đã được các địa phương quan tâm hơn nhiệm kỳ trước, xây dựng trường học đều theo hướng chuẩn hoá. Một số trường thiếu phòng học đã có phương án khắc phục kịp thời đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy học.

Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Thanh Hà tiếp tục thực hiện lồng ghép hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025” và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Tranh thủ, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giữ vai trò chính trong tham mưu xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo.

Ông Trần Duy Thược, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà cho biết cùng với xây dựng chất lượng, cơ sở vật chất, các trường học trên địa bàn huyện Thanh Hà đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, phát triển.

MN