Người Hải Dương xa quê

Người Hải Dương ở Nga giờ ra sao?

THẾ ANH 12/02/2024 19:00

Gần 2 năm xảy ra chiến sự giữa Nga - Ukraine khiến người Hải Dương ở Nga gặp không ít khó khăn.

z4995692462236_a0e253d55db129758c3f8fd0fb0f2f95(1).jpg
Anh Trần Văn Thủy, quê ở thị xã Kinh Môn đang bán hàng tại chợ Liu ở thủ đô Moskva của Nga (ảnh nhân vật cung cấp)

Thắt chặt chi tiêu

Tháng 2/2022, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế toàn cầu vốn đã suy kiệt trong hai năm trước đó do đại dịch Covid-19. Đến nay, Mỹ và hơn 40 nước khác đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga. Đây là các biện pháp trừng phạt toàn diện và khốc liệt chưa từng có trong lịch sử đối với Nga. Đồng rúp trượt giá, chi tiêu quân sự tăng vọt, tình trạng thiếu lao động dai dẳng là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao và Nga phải đối mặt với lạm phát cao.

Cùng với cộng đồng khoảng 80.000 người Việt, người Hải Dương ở Nga cũng bị ảnh hưởng trực tiếp, công việc, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Đã 18 năm làm ăn, sinh sống ở Nga nhưng anh Trần Văn Thủy, quê ở thị xã Kinh Môn chưa từng khó khăn như hiện nay. Anh Thủy đang bán hàng tại chợ Liu. Đây là một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất ở Thủ đô Moskva, phân phối hàng đi toàn quốc. Chợ có khoảng 3.000 người Việt, trong đó có khoảng 600-700 người Hải Dương chuyên bán hàng quần áo, giầy dép, là chủ xưởng may, nhà hàng ăn uống, công nhân may…

Anh Thủy cho biết dịch Covid-19 vừa dứt thì lại xảy ra chiến sự càng khiến mọi người rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng. Khó khăn nhất là đồng rúp trượt giá và tăng, giảm thất thường. Trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, đồng rúp được giao dịch ở mức khoảng 70-75/USD. Sau khi chiến sự nổ ra, có những lúc đỉnh điểm phải 120-130 rúp mới đổi được 1 USD.

“Giá hàng hóa ăn theo giá USD. Giá USD lên thì hàng buộc phải tăng giá, đồng nghĩa với hàng hóa nhập từ Trung Quốc về cũng tăng giá 20-30%. Mọi người buôn hàng giá cao nên lãi suất giảm, số lượng hàng tiêu thụ càng ít, không có lãi. Chưa kể giá thuê chỗ kinh doanh cũng tăng. Thực tế còn khó khăn hơn cả thời gian dịch Covid-19. Mọi mặt hàng đều tăng giá do phí vận chuyển tính theo tỷ giá USD nên nhu cầu mua sắm của người dân giảm sâu. Không chỉ người Việt mà người Nga cũng phải hạn chế đi lại, mua sắm, thắt chặt chi tiêu”, anh Thủy nói.

Tương tự, trải qua khoảng 13 năm ở trung tâm thương mại của người Việt ở TP Voronezh, chị Lê Thu Giang, quê ở TP Hải Dương cũng rút ra được đôi điều, nếu không có tinh thần thép thì khó có thể trụ nổi qua gần 4 mùa đông lạnh giá. Khu vực của chị Giang sinh sống có khoảng 1.500 người Việt, gần 100 người Hải Dương.

Chị Giang cho biết người dân đã quá kiệt quệ về kinh tế, sức mua gần như không còn. Chị Giang cùng nhiều người khác đã bỏ buôn quần áo ở chợ đi làm thuê cho các nhà hàng để có thu nhập cầm cự chứ buôn bán thì không chịu nổi các loại chi phí và rủi ro. Nhiều người cao tuổi chọn cách tháo hàng để về Việt Nam. Nhiều người cố bám trụ có khi chẳng còn gì. Ở khu vực chợ Chim có gần 7.000 người Việt kinh doanh, buôn bán cùng chung hoàn cảnh.

Chiến sự nổ ra khiến nguồn cung hàng hóa từ các nước bị phong tỏa, vật giá lập tức leo thang 30-50%, có những mặt hàng tăng tới 300-500%, khiến thu nhập của người lao động giảm khoảng một nửa. Cũng gần 20 năm ở Nga, anh Thân Quang Phượng quê ở TP Chí Linh cho biết trước đây, người làm thuê thu nhập khoảng 2.000 USD/tháng, sau chiến sự chỉ còn khoảng 1.000 - 1.500 USD/tháng. Giá thuê nhà, chi tiêu, ăn uống sinh hoạt cũng tăng cao, trong khi thu nhập giảm 20-30% do đồng rúp mất giá khiến họ phải thắt chặt chi tiêu.

“Hơn 1 năm nay tôi cùng nhiều người Việt đã nghỉ bán tại chợ Liu và chuyển bán hàng online để cầm cự. Nhiều người trụ lại chợ cũng phải chật vật xoay vốn để duy trì kinh doanh. Không ít người phải huy động vốn từ người thân ở Việt Nam. Nhiều chủ cửa hàng người Hải Dương kinh doanh ăn uống cũng phải tạm đóng cửa hàng. Nói chung rất khó khăn, tất cả là do đồng rúp mất giá”, anh Phượng cho biết.

Mong sớm bình yên trở lại

Chiến sự Nga- Ukraine xảy ra khiến cuộc sống của hầu hết người Việt tại Nga đảo lộn, nhưng họ đã dần thích ứng với tình hình mới. Mong ước lớn nhất lúc này là hoà bình sớm trở lại.

chok-liu(1).jpg
Đồng rúp mất giá, lạm phát tăng, vật giá leo thang khiến người dân Hải Dương ở Nga phải thắt chặt chi tiêu (ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Giang cho biết kinh tế thì khó khăn mà ngày nào cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Tết này mọi người sẽ ít về Việt Nam vì vé máy bay đắt và phải bay quá cảnh qua một số quốc gia khác. “Vì cuộc sống nên phải đánh đổi nhiều thứ, nhất là xa chồng con. Tôi mong chiến sự sớm chấm dứt để cuộc sống trở lại bình thường”, chị Giang nói.

Vợ và con trai anh Thủy đang ở TP Hải Dương, dù rất nhớ gia đình nhưng Tết này anh cũng không thể về Việt Nam. Anh Thủy cho biết nhiều người có thể cũng sẽ không về vì Nga đang hạn chế cấp quyền lao động, nếu muốn làm mới cấp quyền lao động chi phí sẽ đắt hơn trước và không dễ. Anh Thủy ở lại Nga chuẩn bị nhập hàng từ Trung Quốc để bán dịp hè, phần khác là chờ đồng rúp tăng giá để đổi ra USD. “Tôi mong công việc kinh doanh thuận lợi như trước. Dù khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau tổ chức ăn Tết ở bên này và sẽ gọi video về cho gia đình”, anh Thủy nói.

Vợ con đã ở bên Nga cùng anh Phượng nên Tết này anh không về Việt Nam. “Tôi hy vọng chiến sự Nga - Ukraine có thể chấm dứt trong năm 2024. Ước mong là vậy, còn với chúng tôi dù có thế nào cũng sẽ phải thích ứng. Hy vọng cả gia đình sẽ được ăn Tết đúng nghĩa tại Việt Nam vào năm 2025”, anh Phượng cho biết.

THẾ ANH