Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo đó, chủ đề năm 2024 của Bộ TTTT xác định sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm 2020 là năm khởi động CĐS. Năm 2021 là năm tổng diễn tập CĐS trên phạm vi toàn quốc để phòng chống COVID-19. Năm 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm2023 là năm dữ liệu số. Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.
“Kinh tế số (KTS) là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. KTS của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Nhưng đặc biệt, KTS còn giúp tăng năng suất lao động (NSLĐ), vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. KTS là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng NSLĐ. Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, đã định hướng CĐS cho năm 2024 là: Phát triển KTS với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông (CNTT) và truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. “Hạ tầng số Việt Nam phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng sẽ là mặt trận chính, với nhận thức thắng bại là ở đây, vừa là CĐS báo chí, vừa là đảm bảo không giam mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Năm 2024 là năm dịch vụ công toàn trình (DVCTT) phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng. “Năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu Chính phủ số ở Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo. AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô (còn gọi là “tẩu hoả nhập ma”), càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm. 120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Do vậy, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Và con người mà làm việc này thì thấy hạnh phúc, vui vẻ làm. Số mà lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm, có xu thế thoái thác. Trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm thôi. Nay, đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.
Cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70-90% công việc, những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo. Bộ TTTT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30%, và nâng cao chất lượng).
Khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới
Thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ TTTT đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội của toàn ngành TTTT.
Năm 2023, doanh thu toàn ngành TTTT ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022; Đóng góp vào GDP của ngành TTTT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn Ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Sau 14 năm, ngành Thông tin và Truyền thông lại có được 2 luật được ban hành trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, coi truyền thông chính sách trước hết là một việc, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hình thành bộ máy, nguồn lực cho công tác này.
Hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022. Việt Nam thăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính năm 2023 (từ nhóm 5 lên nhóm 6; nhóm 10 là nhóm cao nhất).
Hạ tầng viễn thông và hạ tầng số trong năm vừa qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành TTTT trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến. Tỷ lệ này trước đây là 97%. Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%.
Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành TTTT hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình triển đổi số.
Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số.
Tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Truyền thông, báo chí tiếp tục góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động.
Về lĩnh vực xuất bản, năm 2023, quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt trên 102 tỷ đồng, tăng 2 lần so với 2022 (52,3 tỷ); ước đạt trên 40 triệu bản sách nghe, tăng 25% so với năm 2022.
Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 40,3%, vượt 20% so với kế hoạch; Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm ước đạt 4.600, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%).