Khoa học - Công nghệ

Hải Dương giữ gìn, phát triển nguồn gen quý

THANH HÀ 29/12/2023 11:00

Do nhiều yếu tố tác động nên một số cây đặc sản bị thoái hóa giống hoặc chưa phát huy được tiềm năng. Việc bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn gen các loại cây này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.

z5007748738805_5d9f1dd7b35e475d785d65e69d5f19c0.jpg
Cây vải tổ tại xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã được chiết cành và bó rễ 2 lần để phát triển được 20 cây vải con

Khôi phục

Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) do cụ Hoàng Văn Cơm trồng có tuổi thọ khoảng 200 tuổi, đã gần tới ngưỡng giới hạn của cây ăn quả nên có dấu hiệu cằn cỗi, giảm sức sống. Nhiều cành cây bị sâu bệnh phá hoại, không còn khả năng phát triển...

Để có biện pháp bảo tồn cây vải tổ, năm 2019, UBND huyện Thanh Hà phối hợp thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ tại xã Thanh Sơn". Ban Chủ nhiệm đề tài đã mở rộng khuôn viên, bổ sung đất cho gốc cây, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật cắt tỉa cành, bón phân và chăm sóc bảo vệ thực vật theo quy trình cụ thể. Ban Chủ nhiệm đề tài sử dụng phương pháp chiết cành và bó rễ 2 lần để phát triển được 20 cây vải từ cây vải tổ.

Sau khi chăm sóc theo quy trình, cây vải tổ sinh trưởng, phát triển tốt, lộc nhiều, ít sâu bệnh. Các cây thế hệ 2 của cây vải tổ sinh trưởng tốt, chiều cao tăng đáng kể, lộc nhiều cho thấy khả năng phát triển tốt của bộ rễ…

Hằng năm, Hải Dương duy trì trên 1.000 ha dưa chuột, trong đó dưa chuột gai chiếm khoảng 400-500 ha. Đây là giống chịu lạnh tốt nên có thể sản xuất trong vụ đông xuân và vụ xuân. Tuy nhiên, giống đã bị lẫn tạp, thoái hóa dẫn đến giảm năng suất và chất lượng.

Khắc phục nhược điểm này, năm 2022, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài "Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống dưa chuột gai để bổ sung vào cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hải Dương". Viện thu được 3,2 kg hạt siêu nguyên chủng và sẽ tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm vào năm 2024 từ giống đã được phục tráng với quy mô 50-70 ha tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Nam Sách và mở rộng vào các năm tiếp theo.

z5007051908829_568e0359a5b8c9084c0bc764f95e6c4d.jpg
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bưởi Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách) quả to và chất lượng thơm ngon hơn

Thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua Hải Dương đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chú trọng bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn gen. Đến nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống (Sở Khoa học và Công nghệ) duy trì lưu giữ nguồn gen quý để phát triển dịch vụ các loại hoa lan: hồ điệp, đai châu, vũ nữ hay hoa đồng tiền, cúc, cây lô hội, trinh nữ hoàng cung… Một số đơn vị, viện nghiên cứu đã phục tráng, duy trì và phát triển 8 loại giống cây trồng bản địa có giá trị để phục vụ phát triển sản xuất gồm: nếp cái hoa vàng Kinh Môn, nếp quýt Kim Thành, vải thiều Thanh Hà, bưởi đào Thanh Hồng, bưởi Tân Thắng, dưa chuột gai, khoai sọ Miễu Sơn - Thái Học, lạc đỏ 3 nhân.

Hiệu quả

Bưởi Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách) có ưu điểm ngọt, chín sớm, quả to, ít hạt, dễ tách múi, hương thơm đặc trưng. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu trồng tự phát, thiếu kỹ thuật chăm sóc, chưa chú ý phòng trừ sâu bệnh nên có biểu hiện bị thoái hóa, năng suất, chất lượng không đồng đều. Sau khi UBND huyện Nam Sách thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển cây bưởi Tân Thắng” những hạn chế này đã được khắc phục.

Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng thôn Tân Thắng (xã Thái Tân) cũng là hộ tham gia đề tài chia sẻ, ông đã được học hỏi kinh nghiệm cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm… Nhờ đó, năng suất bưởi tăng thêm 20-30%, chất lượng quả cũng thơm, ngon hơn trước, cây xanh tươi, ít sâu bệnh hơn. "Diện tích bưởi Tân Thắng đã tăng từ 6 ha lên hơn 10 ha trong 1-2 năm vừa qua. Rất nhiều người trong và ngoài huyện đã đến mua bưởi Tân Thắng về trồng. Thương lái cũng đến đặt hàng nhiều hơn", ông Hiển nói.

z5007050136706_02c40f163d84051d4a5bf4927ec42ab1.jpg
Nếp cái hoa vàng Kinh Môn có giá trị cao hơn sau khi được phục tráng thành công (ảnh tư liệu)

Với việc phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa vàng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân Kinh Môn. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Hà Nam (xã Hiệp Hòa) cho biết, so với giống lúa bà cấy những năm trước đây, nếp cái hoa vàng sau khi phục tráng hạt tròn, mẩy, trắng và nấu lên thơm ngon hơn. Khi bán, giá cũng cao hơn từ 4.000 -5.000 đồng/kg.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các giống cây trồng quý đã được khôi phục, giữ gìn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

THANH HÀ