“Cấy lúa không chỉ lấy gạo, mà còn bán tín chỉ carbon”
Tại diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tổ chức ngày 25/12, các đại biểu tập trung thảo luận chủ đề “Cấy lúa không chỉ lấy gạo, mà còn bán tín chỉ carbon”.
Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia của ngành nông nghiệp đã cung cấp thông tin về tín chỉ carbon, khẳng định là tài nguyên quý giá đối với sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được khai thác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường tín chỉ carbon để Việt Nam có thể chính thức tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon thế giới trong năm 2024.
Các diễn giả đồng thời giải đáp thắc mắc liên quan đến giải pháp về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong sản xuất lúa, hướng tới tham gia thị trường tín chỉ carbon. Mục tiêu hướng tới là đưa các chương trình sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy trình sản xuất, tạo ra tín chỉ carbon, nguồn lợi mới từ việc trồng lúa theo quy trình phát thải thấp. Theo đó sẽ đẩy mạnh sử dụng giống lúa cấp xác nhận (là hạt giống được nhân lên từ giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định: độ sạch > 99%, độ thuần 99,7%, tỷ lệ nảy mầm > 90%, độ ẩm < 13,5%, số hạt cỏ dại < 10 hạt/kg hạt giống), giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm... nhất là đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số.
Về hoạt động kinh tế số, Hải Dương hiện có khoảng 45,7 ha nhà màng, nhà lưới, chủ yếu là trồng dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, rau, hoa; vườn ươm cây giống... Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa; cung cấp phân bón qua hệ thống tưới; sử dụng quạt thông gió và cảm biến nhiệt độ để điều hòa nhiệt độ tự động; sử dụng công nghệ phổ ánh sáng LED; ứng dụng công nghệ số... Điển hình như khoảng 600 ha rau màu chuyên canh có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa, theo giờ... Thiết lập và cấp 305 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với thông tin liên quan được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Hai hệ thống cảm biến và phần mềm giám sát thông minh tại các huyện Thanh Hà và Thanh Miện tự động dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và sinh vật gây hại trên cây trồng. Các vùng vải xuất khẩu của huyện Thanh Hà và một số vùng lúa tại các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện, TP Hải Dương... sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ diện tích rừng đã được số hóa và cập nhật biến động trên phần mềm của Tổng cục Lâm nghiệp, kết hợp cảnh báo sớm cháy rừng...
Tại diễn đàn, đại diện ngành nông nghiệp, lực lượng khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp từ tỉnh đến cấp xã còn được Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh) giới thiệu một số giải pháp, máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ mới cho sản xuất nông nghiệp thông minh như một số loại máy bay nông nghiệp đa năng, thiết bị dẫn đường tự động cho máy nông nghiệp, công nghệ điều khiển từ xa, robot đa năng trong nhà lưới; hệ thống giám sát, quản lý thông minh hỗ trợ truy suất nguồn gốc nông sản...
Ngành nông nghiệp cũng phối hợp các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp cho canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng các mô hình thí điểm tạo ra tín chỉ carbon tại một số vùng chuyên canh lớn về sản xuất lúa, rau màu.