Thế hệ trông chờ vào vận may
Khi chính quyền liên tục kêu gọi người trẻ phải tham vọng, làm việc chăm chỉ và vượt lên nghịch cảnh, Li Jiajia chỉ hy vọng trúng xổ số.
Bị mất tinh thần khi nền kinh tế sụt giảm, công việc không như kỳ vọng, áp lực phải kết hôn, sinh con khiến những người Trung Quốc trẻ tuổi như Li đang tìm kiếm lối thoát, bất chấp ưu tiên của đất nước.
Tháng 4 năm nay, Li, 24 tuổi từ một tỉnh ở phía đông nam Trung Quốc đến Bắc Kinh làm việc tại một đơn vị khởi nghiệp về công nghệ, sau thời gian dài thất nghiệp. Nhưng thay vì quyết tâm bước lên đỉnh cao sự nghiệp, cô gái trẻ nói sẽ an phận bởi lương thấp và ít cơ hội phát triển.
Thú vui duy nhất của Li trong thời gian này là mua vé số. Cô gái trẻ không chắc có thể trúng số giải độc đắc, nhưng bản thân vẫn có thể hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Nó (trúng số) sẽ không xảy ra ngay, nhưng tận hưởng cảm giác hồi hộp khi cào vé và tra số trúng thưởng giúp tôi nghỉ ngơi thêm một chút", Li nói.
Trên thực tế, những người trẻ như Li từng học tập chăm chỉ để trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng, dành phần làm thời gian trong văn phòng nhằm theo đuổi những kỳ vọng của bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp lập kỷ lục 21% trong năm nay cùng lương thấp khiến lao động trẻ thất vọng.
Sara Friedman, giáo sư nhân chủng học và nghiên cứu giới tính tại Đại học Indiana, Mỹ, người chuyên nghiên cứu về xã hội Trung Quốc, cho biết những người trẻ từng dành nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để tham gia thị trường lao động, hy vọng đạt thành tựu.
"Họ đã làm việc rất chăm chỉ nhưng đến hiện tại lại chọn rời bỏ, không tham gia vì những thất vọng và áp lực vô hình từ xã hội", Friedman nói.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về những chuyến đi chùa cùng sự lo lắng - mối bận tâm lớn nhất của nhiều thanh niên Trung Quốc, đã tăng lên vào năm 2023, theo công ty nghiên cứu BigOne Lab.
Khoảng 34% số người được khảo sát trong độ tuổi giữa 20 đã nghỉ việc hoặc cân nhắc rời bỏ công ty, theo thống kê của nền tảng tìm kiếm việc làm và xã hội Maimai tại Trung Quốc.
Trong khi Li tìm đến thú chơi xổ số để cầu may, nhiều thành niên khác quyết định bỏ việc, chuyển sang thiền định, bói toán hoặc đi chùa trên núi tìm sự bình yên. Hay một số lại tổ chức các bữa tiệc ăn mừng nghỉ việc để tìm kiếm sự tự do, tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề phát triển.
Dữ liệu thống kê cho thấy chơi xổ số cũng trở thành niềm vui của những người 29-30 tuổi của Trung Quốc. Thúc đẩy doanh số bán hàng của nước này lên 67 tỷ USD, từ tháng 1 đến tháng 10, tăng 53% so với năm ngoái và trung bình mỗi người dân nước này chi 48 USD cho loại hình này.
Một dữ liệu của Ctrip-công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc với hơn 300 triệu thành viên đăng ký cho thấy, số lượng đặt vé tham quan các danh lam thắng cảnh liên quan đến đền chùa năm 2023 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một nửa số người đặt vé thuộc thế hệ Gen Z (nhóm sinh ra từ 1997 đến 2012), trở thành lực lượng chính thúc đẩy "cơn sốt du lịch đền chùa".
Theo thống kê của Ctrip, lượt xem tích lũy của các thuật ngữ "Sao chép kinh phật" và "thiền" trên mạng xã hội tại Trung Quốc đã lên tới ba tỷ lượt và số lượng lớn người dùng đã đăng tải những video như hướng dẫn tập luyện, trải nghiệm vlog cũng như tác dụng của thiền.
Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ mô tả tâm trạng qua từng năm đang cho thấy thái độ làm việc của người dân dần thay đổi. Năm 2020, thuật ngữ "neijuan" (sự xâm lấn) đề cập đến tiêu chuẩn lao động hết mình, nỗ lực phấn đấu. Tiếp đến là "touching fish" - cụm từ mượn thành ngữ của Trung Quốc đề cập dến các cuộc nổi loạn ngầm tại nơi làm việc như trốn vào nhà vệ sinh để không phải làm việc, mua sắm trực tuyến hoặc đọc tiểu thuyết trong giờ làm việc. Năm 2021, "tang ping" (nằm phẳng) chỉ những người từ chối phấn đấu trong công việc và năm 2022 là "bailan" (mặc kệ đời) đề cập đến thế hệ chọn mặc kệ để mục rữa.
Cuộc khảo sát thực hiện bởi công ty nghiên cứu Tsingyan năm 2022 cho thấy 96% trong tổng số 6.000 người được hỏi ở Trung Quốc trong độ tuổi 26-40, thừa nhận đang nằm phẳng ở nhiều mức độ.
Slivia Lindtner, nhà dân tộc học tại Đại học Michigan, Mỹ, cho biết đây là hình thức kháng cự rất thụ động. "Đó chắc chắn là một khoảnh khắc rất khó khăn, nhưng cũng được coi sự hy vọng của người lao động để chống đối lại áp lực", chuyên gia nói.
Theo các chuyên gia, dưới một số góc nhìn, xu hướng "tang ping" của Trung Quốc gần giống như cuộc đại từ chức của Mỹ sau đại dịch hay từ chối theo các chuẩn mực xã hội của những người trẻ ở phương Tây từ những năm 1960.
Amy Yan, 27 tuổi, ở Thâm Quyến cho rằng nằm phẳng như một cách phản kháng tiềm ẩn với những áp lực phải thành công lên người trẻ. Nhiều năm qua, Yan giúp bố mẹ điều hành công ty xuất khẩu của gia đình. Nhưng năm ngoái doanh nghiệp này phá sản khi bố mẹ cô bị lừa đảo tài sản. Điều này đã củng cố niềm tin của Yang rằng nên ưu tiên cho bản thân, tìm đến những nơi yên tĩnh để nghỉ hưu sớm và từ bỏ mọi phấn đấu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại nếu tất cả người trẻ từ bỏ lao động và dựa vào tài chính của cha mẹ có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp đạt hơn 46%, theo tính toán đầu năm 2023 của một giáo sư Đại học Bắc Kinh.
Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc với hơn 70 triệu thành viên, mới đây công bố bình luận trên tài khoản WeChat, kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp đại học không nên từ chối tham gia lực lượng lao động vì gặp khó khăn trong tìm kiếm công việc, số khác chọn nằm phẳng vì chán nản, tuyệt vọng.
Tuy nhiên, nghiên cứu học thuật cho thấy tính di động xã hội của nhiều nhóm người ở Trung Quốc đã bị trì trệ, đồng nghĩa với việc những người không còn động lực để vượt qua. Nhất là khi nhiều đơn vị tuyển dụng từng thu hút nhiều lao động trẻ như Alibaba, Tencent hay ByteDance đang sa thải nhân viên trong bối cảnh tăng trưởng yếu, chính phủ quản lý chặt chẽ khu vực tư nhân. Mức lương công nghệ giảm ba năm liên tiếp, theo Maimai, và cơ hội cho các khoản thanh toán mờ mịt, khiến các lao động từng làm việc theo lịch trình 996 (làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần), dần tuyệt vọng. Họ không muốn cố gắng thăng tiến, mua nhà, sinh con như các thế hệ trước.
Huang Xialu đã từ bỏ chức vụ giám đốc sản phẩm tại một trong những công ty phát trực tuyến video lớn nhất Trung Quốc vào tháng 4/2023 và tìm đến các khóa tu tâm linh. Một thời gian dài trước đó, người phụ nữ 33 tuổi nói bản thân phải vật lộn khi sống không có mục đích.
"Tôi luôn có suy nghĩ nếu không rời bỏ công việc để nghỉ ngơi, bản thân sẽ phát điên", Huang nói. Vài tháng sau, cô đã tham gia khóa đào tạo huấn luyện cuộc sống và học làm gốm tại một vùng quê.
Với Huang, nằm phẳng trái ngược với sự thụ động - đây là cách để cô kiểm soát cuộc sống, tránh những lo lắng vô hình. Hiện người phụ nữ 33 tuổi đã trở thành một huấn luyện viên chuyên giúp đỡ những người đang bối rối trước các sự lựa chọn cho tương lai, dù thu nhập không ổn định.
"Nhưng tôi không hối hận vì đã bỏ cuộc bởi mong muốn được chữa lành tâm hồn", cô nói.