Di tích

Thêm bước tiến dài để Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành di sản văn hóa thế giới

TIẾN HUY 02/01/2024 15:00

Năm 2023 là dấu mốc đáng nhớ đối với khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương khi cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

2f9d69b4-87ee-4740-8804-8297788b4cc3(1).jpeg
Chùa Đồng trên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử, là một trong những công trình mang tính biểu tượng của khu di tích, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)

Danh thắng trời Nam

Ai đã đi qua Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, được lắng mình trong tiếng chuông chùa trầm ấm, trong làn khói trầm vương vấn, hòa vào cảnh sắc non thiêng, mới thấy nơi này quả thực là danh thắng trời Nam.

Cánh cung Đông Triều dài khoảng 270 km, đi qua nhiều tỉnh phía Đông Bắc. Trên cánh cung này, những địa danh được biết đến nhiều nhất, với những quần thể di tích và danh thắng tiêu biểu nhất gồm: Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Dãy Yên Tử được ví như con rồng lớn đang vươn mình ra phía Biển Đông. Đầu rồng là đỉnh Yên Tử, cao 1.068 m so với mực nước biển. Được ví như thân rồng và thấp dần về phía tây là các đỉnh Phật Sơn, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Thanh Mai, Quan Âm, Huyền Đinh… Khu vực thấp nhất - dãy Phượng Hoàng của Hải Dương được ví như đuôi rồng.

Quần thể Yên Tử gồm hàng trăm di tích và danh thắng, hiện thuộc phạm vi của 6 khu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích và danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần, khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng (Quảng Ninh); khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Hải Dương) và chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà thuộc khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang).

chua-vinh-nghiem(1).jpg
Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2015

Khu di sản đề cử dạng chuỗi liên hoàn gồm 32 di tích được tích hợp trong 18 cụm di tích lựa chọn từ hàng trăm di tích và danh thắng để cùng thể hiện một câu chuyện di sản. Tồn tại hơn 7 thế kỷ, nhưng đến nay, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vẫn là những di sản văn hóa sống động, còn mãi với thời gian.

Côn Sơn - Kiếp Bạc, bộ phận cấu thành của khu di sản

photo_6553849_dji_249_jpg_4195290_0_202328152422_photo_original(1).jpg
Khu di tích Côn Sơn mang những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trong quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Côn Sơn - Kiếp Bạc là một vùng thiên nhiên kỳ thú với hình sông, thế núi, sắc nước, mầu trời hoà quyện, tạo nên một không gian huyền ảo và kỳ bí. Bởi thế nơi này là điểm dừng chân của nhiều anh hùng hào kiệt và tao nhân mặc khách nhiều thời kỳ lịch sử.

Côn Sơn - Kiếp Bạc còn lưu giữ trong mình bao trầm tích của thời gian. Những phát lộ khảo cổ học đã minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một nền văn minh liên tục phát triển ở đây qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của các danh tướng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng trấn giữ phía đông bắc của Kinh đô Thăng Long. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ XIII, XIV là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần.

Ra đời và tồn tại lâu dài cùng lịch sử, hội tụ văn hoá của các vùng miền, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh của biết bao công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay.

img_0651(1).jpeg
Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng tồn tại, phát triển trên một vùng đất, thờ tự 2 tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hòa đồng tạo nên một bản thể văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, thống nhất. Chính vì thế, hơn 7 thế kỷ đã qua, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, đi vào tâm thức người dân: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa tới thiền tâm chưa đành", hay: “Dù ai buôn bán gần xa/ Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về”... đã nói lên điều đó.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học... Côn Sơn - Kiếp Bạc là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trong hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới.

Ý tưởng về việc xây dựng hồ sơ này đã được hình thành, khởi động từ năm 2013. Nhưng đến năm 2015, việc triển khai xây dựng phải tạm dừng để xác định rõ và mở rộng, bổ sung các cụm di tích nhằm bảo đảm các cứ liệu chứng minh về những giá trị theo yêu cầu của UNESCO bao gồm: “Giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn” và “Tính xác thực”.

3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời triển khai các phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ giá trị của quần thể di tích. Đã tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm xác định giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của quần thể di tích.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, lịch sử; hệ thống kiến trúc di tích, cảnh quan; giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học được triển khai thực hiện. Đồng thời, việc khai quật khảo cổ học được tiến hành đồng loạt tại các điểm di tích như đền An Sinh, chùa Am Hoa, chùa Trại Cấp, chùa Am Thung, chùa Bảo Đài (Quảng Ninh); chùa Đám Trì, chùa Hồ Bấc, chùa Cao (Bắc Giang); chùa Thanh Mai (Hải Dương), nhằm tiếp tục củng cố tư liệu phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ.

Việc hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” được đệ trình UNESCO đề nghị công nhận và ghi danh vào danh mục di sản thế giới là một bước tiến dài, ghi nhận cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương trong tròn một thập kỷ đã qua.

TIẾN HUY