Lựa chọn tinh hoa, tạo đột phá phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam".
Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo tại hội nghị, công nghiệp văn hóa được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt khoảng 44 tỷ USD. Đến năm 2022 thống kê có hơn 70.300 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung hình thức sản phẩm, dịch vụ chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo riêng có…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được; những hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam và đề xuất những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện, trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương. Đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo sản phẩm văn hóa và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ, khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế; xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế; xây dựng phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ họa; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.
Các hiệp hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...