Hải Dương - Ngôi sao vụ đông
Cây vụ đông được ví như ngôi sao sáng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà những năm gần đây khi mang lại giá trị kinh tế cao. Còn Hải Dương thì được ví như ngôi sao ở miền Bắc về làm vụ đông.
Cây làm giàu
Hải Dương từ lâu đã nổi tiếng là “vựa rau” của miền Bắc và của cả nước, được sản xuất vào 3 vụ mỗi năm, trong đó cây vụ đông có diện tích, sản lượng và giá trị kinh tế lớn nhất so với vụ xuân và vụ hè thu với những vùng sản xuất cây chủ lực, tập trung như hành tỏi, cà rốt và rau màu các loại.
Về thủ phủ cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) những ngày này ngập tràn một màu xanh mướt từ đồng trong ra vùng đất bãi rộng lớn. Được thiên nhiên ưu đãi đất đai màu mỡ và nhờ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác của người dân nên cà rốt của Đức Chính cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, củ dài, giàu dinh dưỡng. Vụ đông năm nay, xã Đức Chính trồng trên 360 ha cà rốt, chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, sản lượng ước đạt 14.000 tấn. Với giá bán tại ruộng hơn 5.000 đồng/kg, doanh thu cả xã ước đạt hơn 70 tỷ đồng. Người dân xã Đức Chính còn đi nhiều nơi khác trong tỉnh và các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình thuê đất trồng cà rốt với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 40.000 tấn, doanh thu hơn 200 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết, 90% diện tích cà rốt của xã được trồng phục vụ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Trung Đông và một phần sang châu Âu. Vụ đông năm trước xã Đức Chính có 400 hộ trồng cà rốt cho thu nhập trên 500 triệu đồng/hộ, trong đó nhiều hộ thu hàng tỷ đồng. Nhờ cây cà rốt, bộ mặt xã Đức Chính thay da đổi thịt từng ngày, đường sá khang trang, to đẹp, nhà tầng, nhà biệt thự mọc lên san sát.
Nhắc đến vụ đông không thể thiếu cây hành tỏi bởi đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao không kém cà rốt. Vùng trồng hành tỏi tập trung chủ yếu ở thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách. Năm nay một số diện tích hành sớm tại huyện Nam Sách đã bán cả ruộng với giá từ 13-16 triệu đồng/sào cho thương lái, thu lãi 8-10 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Huy Đạt, ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) cho biết: "Vụ này hành nhà tôi đều, đẹp hơn mọi năm, thương lái đặt mua toàn bộ diện tích nhưng tôi chỉ bán 1,6 mẫu với giá 13 triệu đồng/sào, cao hơn năm ngoái 5 triệu đồng/sào, thu được 214,5 triệu đồng, lãi 145 triệu đồng. Hơn 1 sào còn lại tôi để làm hành giống cho vụ sau".
Các loại cây rau màu khác như cải bắp, su hào, su lơ trồng ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện cũng cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi và giá cả ổn định hơn mọi năm.
Những năm gần đây, Hải Dương chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 ha nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, dưa leo, nho... Là một trong hai mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình của Hải Dương, vụ đông này Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) trồng 29 ha dưa lưới và dưa leo trong nhà màng, nhà lưới. Trong đó 20 ha dưa lưới đang cho thu hoạch với giá 26-35 triệu đồng/sào, lãi 15 triệu đồng/sào, cả vụ lãi hơn 8 tỷ đồng.
Hải Dương đã xây dựng được kênh tiêu thụ rộng lớn với 16 cơ sở lớn sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm và hàng nghìn cơ sở nhỏ, cá thể thu gom sơ chế nông sản. Đây là lực lượng quan trọng góp phần để Hải Dương giữ được ổn định sản xuất cây vụ đông.
Còn nhiều tiềm năng
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, Hải Dương xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế và là 1 trong 4 trụ cột chính trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Để phát triển bền vững cây vụ đông, Hải Dương tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng sản xuất cây chủ lực, tập trung, hàng hóa quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao. Định hướng rõ cho thị trường mục tiêu như phục vụ xuất khẩu hay là thị trường trong nước để tổ chức sản xuất. Chú trọng sản xuất bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu để đáp ứng tiêu thụ trong nước và thuận lợi cho xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, những cây trồng chủ lực như hành tỏi, cà rốt, khoai tây có tiềm năng phát triển mở rộng và có thị trường tiêu thụ lớn. Hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập hành từ Trung Quốc do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ. Một số cây vụ đông như hành tỏi, khoai tây trồng trên đất cấy lúa 2 vụ có tác dụng cải tạo đất và cho lúa có năng suất cao. Do đó, thời gian tới Hải Dương tiếp tục hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cây vụ đông tăng thêm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tham gia phát triển diện tích, lựa chọn trồng cây vụ đông có giá trị kinh tế cao.
Để vụ đông đem lại giá trị cao hơn nữa, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gợi ý ngoài nắm bắt thị trường, Hải Dương và các tỉnh cần tổ chức liên kết với các đơn vị phân phối, chế biến, điều chỉnh cơ cấu giống để bảo đảm lượng rau xanh cung cấp thị trường nội địa theo từng giai đoạn và nhu cầu của người dân. Với những sản phẩm xuất khẩu như cà rốt, cải bắp cần chủ động đánh giá, rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thị trường, tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu của các nhà xuất khẩu.
Giá trị sản xuất cây vụ đông của Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc (99 triệu đồng/ha). Tính đến ngày 20/12, toàn tỉnh đã gieo trồng được 21.781 ha cây vụ đông, vượt 3,7% kế hoạch (21.000 ha). Trong đó 6.492 ha hành tỏi; 4.341 ha cải bắp, su hào, su lơ; 1.283 ha cà rốt và 5.775 ha rau màu khác..., đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái.