Sống "tốt đời, đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc
Phát huy truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trên cả nước ngày càng khẳng định là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một mùa Giáng sinh nữa lại sắp về. Những ngày này, tại các xóm đạo trên khắp cả nước một không khí rộn ràng, hân hoan đang lan toả. Các giáo dân tất bật chuẩn bị trang trí các tuyến đường, nhà thờ, hang đá, cây thông Noel, sẵn sàng đón lễ Giáng sinh an lành, ấm áp.
Với trên 7 triệu đồng bào Công giáo Việt Nam đang sinh sống trên mọi miền đất nước, trong những năm qua, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào Công giáo đã hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã hội và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) tháng 10 vừa qua cũng cho thấy, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tiếp tục được duy trì và phát triển cả bề rộng và chiều sâu; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm tốt cùng với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Đồng bào Công giáo chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Công giáo ngày càng được chăm lo, bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được triển khai thực hiện, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc.
Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm ngày càng có nhiều kết quả thiết thực. Đối tượng chính sách, hộ nghèo được Nhà nước và xã hội chăm lo tích cực với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo.
Với truyền thống sống tốt đời, đẹp đạo, đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng khẳng định là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Không chỉ là đồng bào Công giáo, với các tôn giáo, tín ngưỡng khác cũng vậy. Việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Điều này được thể hiện thông qua Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng như Chính phủ đã ban hành nghị định và các văn bản pháp luật khác đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, khi đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu rõ: Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp phát động. Bảo đảm để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Trong nỗ lực chung ấy, mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước đều bị nghiêm cấm.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 cũng đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường.
Việc chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là nhu cầu chính đáng của người dân, được Nhà nước bảo hộ. Các tôn giáo đều chung sống hài hòa, đoàn kết, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.
Việc quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết các nhu cầu chính đáng của quần chúng tín đồ trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh; tôn trọng, khuyến khích phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo sẽ góp phần không nhỏ cho sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.