Lưu luyến tiếng pháo Tết hay giữ mối sầu?
Thay vì nghĩ về tiếng pháo, trong dịp Tết, chúng ta hãy quan tâm nhau hơn, cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống để gia đình, tình thân thêm gắn kết.
Càng gần Tết, thông tin về việc buôn bán, tàng trữ và sản xuất pháo nổ trái phép lại càng nóng lên trên cả nước. Hải Dương cũng không ngoại lệ.
Những ngày gần đây, lực lượng công an ở Hải Dương liên tiếp phá nhiều vụ án liên quan đến pháo nổ. Theo thông tin trên báo Hải Dương, ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can một đối tượng từ tỉnh Tuyên Quang, thuê phòng trọ tại huyện Nam Sách để điều tra về tội sản xuất hàng cấm. Đối tượng này bị Công an huyện Nam Sách bắt quả tang đang sản xuất trái phép pháo nổ tại phòng trọ để bán kiếm lời, khối lượng pháo nổ thu giữ là 20,5 kg. Công an TP Chí Linh cũng vừa phối hợp bắt 2 đối tượng mua bán, sản xuất pháo nổ với số lượng lớn. Trong đó có 1 đối tượng bị bắt khi đang chở 88,5 kg pháo nổ đi tiêu thụ. Đáng lo ngại hơn là trường hợp Công an huyện Ninh Giang phát hiện một hội nhóm kín trên mạng xã hội Facebook do nhiều học sinh THPT lập, thường xuyên trao đổi thông tin mua nguyên vật liệu, hướng dẫn nhau sản xuất pháo nổ tại nhà...
Ngoài những vụ án đã bị lực lượng chức năng phanh phui, chắc chắn vẫn còn những trường hợp chưa bị phát hiện, vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại liên quan đến pháo nổ trong xã hội. Sở dĩ pháo nổ bị cấm sản xuất, buôn bán, lưu hành vì nó đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm đối với con người.
Cách đây nhiều năm, khi pháo nổ chưa bị cấm, trong một lần đốt pháo vào dịp Tết, người chú họ của tôi đã bị thương rất nặng. Lần ấy chú tôi đốt một quả pháo giấy rất to, ngòi pháo bị ẩm nên cháy chậm. Chú tưởng pháo xịt đã nhặt lên. Vậy nhưng quả pháo lại nổ ngay sau đó trên tay chú tôi. Chú đã phải tháo bỏ 5 đốt tay, mặt cũng bị pháo bắn vào đến giờ sẹo còn chằng chịt. Sau lần ấy, mỗi lần thấy ai đốt pháo là tôi đều tránh xa, tiếng pháo nổ luôn làm tôi rùng mình, sợ hãi.
Không nói đâu xa, ngay trong tháng 12 này, ở nước ta cũng đã có một số tai nạn thương tâm nghi do liên quan đến pháo nổ. Một vụ nổ xảy ra vào chiều 7/12 tại Ninh Bình làm đổ sập ngôi nhà cấp 4, khiến 2 người phụ nữ tử vong, thi thể không còn nguyên vẹn. Công an tỉnh này xác định, một thanh niên đã thuê 2 người phụ nữ đến làm việc. Nguyên nhân nghi do thuốc pháo dẫn đến vụ nổ.
Ngày 13/12, một thanh niên 18 tuổi ở Hải Phòng cũng bị thiệt mạng. Theo nhận định ban đầu của công an, vụ nổ do quấn pháo bởi hiện trường có nhiều mảnh giấy, mùi thuốc pháo...
Pháo nổ nguy hiểm như thế nhưng tại sao nó vẫn còn "đất sống"? Cứ mỗi dịp đến Tết, tôi vẫn nghe thấy đâu đó trong gia đình một vài người lớn tuổi than vãn: Tết giờ không có tiếng pháo nổ buồn hẳn đi chứ không vui như ngày xưa. Trong tiềm thức của những người đã trải qua thời kỳ pháo nổ chưa bị cấm vẫn lưu luyến bầu không khí ấy. Điều này cũng khó trách vì đã có một thời người xưa quan niệm về Tết là không thể thiếu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Ngoài điều ấy thì hiện nay, một bộ phận giới trẻ vì tò mò, muốn thể hiện bản thân nên cũng tham gia mua bán, đốt pháo nổ. Không ít người bị mờ mắt trước lợi nhuận của việc sản xuất, buôn bán pháo nổ mang lại... Cứ như vậy, dù đã bị cấm nhưng pháo nổ vẫn còn là điều nhức nhối trong xã hội.
Vậy sự thực là Tết không tiếng pháo buồn hay vui? Xét ở khía cạnh văn hóa truyền thống như quan niệm xưa của ông cha ta, cá nhân tôi khá đồng cảm với một số người cao tuổi vẫn còn lưu luyến tiếng pháo, hình ảnh xác pháo hồng trong nhà ngoài ngõ tượng trưng cho sự may mắn của năm mới. Nhưng thời của câu ca ấy là những tràng pháo tép nhỏ. Còn sau này pháo đã thành "bom".
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, việc cấm pháo nổ như hiện nay là một chủ trương đúng. Niềm vui ngày Tết không chỉ có tiếng pháo mà phải là sự đoàn viên trọn vẹn của cả gia đình. Thay vì nghĩ về tiếng pháo, trong dịp Tết, chúng ta hãy quan tâm nhau hơn, cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống để gia đình, tình thân thêm gắn kết.