Nên mua gạo theo cân hay theo bao?
Mua gạo thì nên mua theo cân hay mua theo bao để có chất lượng gạo tốt nhất là băn khoăn của rất nhiều người.
Nếu như hồi xưa, người Việt Nam chỉ mua gạo theo cân thì những năm gần đây, ngoài hình thức "truyền thống" này, gạo còn được đóng vào bao nylon với nhiều mức khối lượng khác nhau: 10kg, 5kg, 2kg, thậm chí chỉ 1kg. Trên bao bì không chỉ ghi rõ tên giống gạo và trọng lượng mà còn có đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ.
Trước nhiều sự lựa chọn, nhiều người tiêu dùng băn khoăn không biết mua gạo thì nên mua theo cân hay mua theo bao để mang lại nhiều lợi ích nhất.
Mua gạo thì nên mua theo cân hay mua theo bao?
Để có thể đưa ra câu trả lời đúng, trước hết bạn cần biết rõ ưu, nhược điểm của từng loại.
Gạo đóng gói sẵn
Với loại gạo được đóng bao sẵn, người tiêu dùng sẽ dễ tìm kiếm và nhận dạng được thương hiệu của các nhà sản xuất gạo nhờ những thông tin trên bao bì. Điều này giúp người yêu dùng yên tâm hơn vì một khi in thương hiệu và địa chỉ lên sản phẩm, nhà sản xuất sẽ buộc phải giữ uy tín bằng cách đảm bảo tối đa về chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm gạo đóng gói, nhãn mác đàng hoàng cũng phải đảm bảo các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo các quy chuẩn trong ngành sản xuất. Khách hàng cũng không cần lo ngại tình trạng "cân điêu" có thể xảy ra khi mua hàng theo cân ở chợ.
Việc đóng gói với nhiều mức khối lượng khác nhau cũng giúp người tiêu dung thoải tự lựa chọn phù hợp với nhu cầu, chẳng hạn gia đình ít người, áp dụng chế độ ăn ít tinh bột sẽ chọn loại 1-2kg để không phải tích trữ gạo quá lâu, giảm chất lượng.
Gạo không đóng gói
Gạo không đóng gói thường được bán ở các cửa hàng gạo và được cho vào các bao lớn, các thùng không có nhãn mác nên người dùng sẽ rất khó để nhận diện, phân biệt giống gạo cũng như thương hiệu, xuất xứ. Nếu không quá sành về gạo, bạn chỉ có thể biết những sản phẩm trước mặt là gạo gì, từ đâu ra... qua miệng người bán và khó kiểm chứng.
Tuy nhiên, khi mua gạo không đóng gói, người tiêu dùng có thể trực tiếp cảm nhận, đánh giá sản phẩm thông qua thị giác, khứu giác và xúc giác. Họ được phép nhìn, sờ và ngửi những hạt gạo trước khi đưa ra quyết định mua. Nếu bạn muốn mua số lượng ít để thử, mua gạo theo cân là một cách hay.
Vậy mua gạo thì nên mua theo cân hay mua theo bao? Việc lựa chọn phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu sử dụng của gia đình. Nhiều người hiểu biết rõ về các loại gạo, thành thạo cách nhận biết gạo mới, gạo ngon thường thích mua theo cân để tự mình đánh giá. Mặt khác, giá gạo bán theo cân ở các cửa hàng gạo thường "mềm" hơn.
Nếu xét về độ an toàn, gạo đóng gói có ưu thế hơn. Việc đóng gói không chỉ tiện cho người tiêu dùng lựa chọn cũng như cung cấp thông tin rõ ràng mà còn đảm bảo vệ sinh, gạo được bọc kín nên không bị độ ẩm không khí tác động, không lo bị mốc. Nhiều nhà sản xuất còn hút chân không các bao gạo đóng gói, vừa tăng thời gian bảo quản lại vừa dễ vận chuyển.
Mẹo chọn mua gạo ngon, mới
Để chọn mua được loại gạo mới, thơm dẻo, không lo bị tẩm hóa chất, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo sau đây:
Mua gạo theo mùa
Mua gạo vào đúng mùa gặt mới, bạn sẽ có nồi cơm vừa thơm ngon vừa dẻo, ăn sẽ có vị ngọt, bùi rõ rệt.
Nhìn màu sắc gạo
Nhìn vào màu sắc, bạn cũng có thể phân biệt được gạo mới với gạo cũ. Màu sắc bình thường của gạo là trắng nhạt, có thể thay đổi tùy theo giống và điều kiện, tuy nhiên gạo mới thường có màu trong mờ, hơi trắng và có độ cứng.
Nếu gạo có màu sẫm hơn, thậm chí hơi vàng và xỉn màu thì có thể nó đã được bảo quản quá lâu, giá trị dinh dưỡng và hương vị sẽ giảm. Còn gạo chứa hóa chất sẽ bóng, trắng tinh vì đã bị tẩy trắng.
Ngửi gạo
Gạo có mùi thơm không tự nhiên hoặc mùi hôi nồng khó chịu thường là gạo cũ hoặc gạo được tẩm ướp hương nhân tạo. Loại gạo này sẽ mất mùi khi nấu chín hoặc sau vài ba ngày mua về.
Khi đi mua gạo với số lượng lớn, bạn có thể vò một ít ra tay cho nóng lên, nếu ngửi thấy mùi thơm thì đó gạo chất lượng cao, ngược lại nếu gạo không có mùi thơm hoặc thậm chí có mùi khó chịu thì nó có thể đã hết hạn sử dụng.
Nhai gạo để thử
Một mẹo nhỏ để chọn được gạo mới và sạch là nhai thử vài hạt gạo sống. Nếu bạn cảm nhận được vị ngọt thơm tự nhiên cùng độ dính nhẹ trong miệng thì đó chính là gạo tốt. Ngược lại, nếu gạo quá mềm hoặc quá cứng, kết cấu thô, không có mùi thơm hoặc mất mùi thì đó là gạo kém chất lượng.
Dùng tờ giấy để kiểm tra
Bằng cách quan sát độ ẩm và dầu được khăn giấy hấp thụ, bạn có thể đánh giá gạo cũ hay mới, chất lượng cao hay không. Việc bạn cần làm là lấy một chiếc khăn giấy ra, đặt gạo lên trên, bọc lại. Sau đó, bạn cầm bọc gạo trên tay và giữ chặt trong khoảng 10 giây. Sau 10 giây, bạn mở khăn giấy ra và quan sát mặt trên của nó.
Nếu trên khăn có các hạt bột trắng thì đó là gạo tươi, chất lượng tốt, vì gạo mới sẽ có nhiều tinh bột trên bề mặt, ngược lại sẽ là gạo cũ.
Nếu trên khăn giấy có vết dầu hoặc vết sáp, hạt gạo dính vào không bong ra thì đó là gạo cũ, không nên mua.
Đốt gạo
Bạn có thể chuẩn bị một cái thìa, cho ít gạo vào rồi lấy bật lửa đốt. Nếu bạn ngửi thấy mùi thơm thì đó là gạo mới, nếu có mùi lạ (như mùi khét) thì đó là gạo cũ đã qua xử lý.