Thanh niên Hải Dương khởi nghiệp trên đất quê hương
E-magazine - Ngày đăng : 15:38, 20/12/2023
Phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ trẻ Hải Dương. Nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, say mê học hỏi, nỗ lực vươn lên và thành công trên con đường khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hoàng Huy Minh (sinh năm 1989), Bí thư Đoàn xã Hồng Phong (Nam Sách) lựa chọn về quê khởi nghiệp. Gia đình vốn làm nông nghiệp nên công việc đồng ruộng không còn xa lạ với anh.
Năm 2019, anh bắt tay vào triển khai dự án khởi nghiệp “Sản xuất và cung ứng một số sản phẩm nông nghiệp sạch” với số vốn khoảng 600 triệu đồng. Anh trồng một số loại cây ăn quả, rau màu, dược liệu như táo, hồng xiêm, rau bắp, su lơ, thiên lý, rau húng trên diện tích 5.000 m².
Anh đang tập trung chăm sóc 300 cây táo Đài Loan, táo đại và 200 cây hồng xiêm xoài. Đây là hai giống cây đem lại giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi 140 triệu đồng từ diện tích cây trồng trên.
Từ những băn khoăn, lo sợ ban đầu khi mới khởi nghiệp, với sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm của những người làm nông nghiệp đi trước và sự hỗ trợ của gia đình, đến nay anh Minh đã gặt hái những thành công nhất định.
Cũng say sưa với trồng trọt như anh Minh, anh Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1990, ở xã Tứ Cường, Thanh Miện) tìm tòi những giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao để thử nghiệm. Năm 2019, anh khởi nghiệp với trang trại dưa lưới Vifarm trồng trong nhà màng, nhà lưới. Từng có nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trong ngành nông nghiệp nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đối với anh Tiến không mấy khó khăn. Anh Tiến cho biết: “Tôi đam mê với cây cối, trồng trọt và tìm cách biến đam mê ấy đem lại kinh tế”.
Dưa lưới dễ nhiễm bệnh, phải chăm sóc cẩn thận nên anh trồng dưa hoàn toàn bằng xơ dừa, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự thiết kế. Từ 2.000 m² nhà màng lúc mới khởi nghiệp, đến nay anh đã mở rộng lên 2 vườn dưa lưới với diện tích 5.000 m², doanh thu từ 1,5-1,7 tỷ đồng/năm.
Sinh ra từ vùng đất có truyền thống trồng hành nên chị Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1992, ở phường An Phụ, Kinh Môn) luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp giúp tiêu thụ nông sản quê hương.
Nhận thấy nhu cầu sản phẩm hành phi có triển vọng và nguồn nguyên liệu trên quê hương sẵn có, năm 2021, chị đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở xưởng sản xuất chế biến hành phi.
Thời gian đầu, sản lượng hành phi tiêu thụ chỉ đạt 3 tấn/tháng. Phát huy sức trẻ và khả năng sáng tạo, chị liên kết với các bạn trẻ để bán hàng online, chạy quảng cáo. Với lợi thế sản phẩm hành 100% nguyên chất, đến nay cơ sở sản xuất hành phi của chị Quyên đã tiêu thụ được hơn 1 tấn/ngày, thị trường mở rộng trên toàn quốc. Từ nhà xưởng lúc ban đầu chỉ hơn 40 m², đến nay mở rộng khoảng 200 m², doanh thu mỗi năm trên 700 triệu đồng. "Tôi mong muốn tổ chức Đoàn hỗ trợ đưa sản phẩm đến các gian hàng hội chợ để quảng bá rộng hơn, có thể đi đến các nước bạn", chị Quyên đề nghị.
Đây chỉ là một số mô hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Những mô hình trồng trọt của anh Minh, anh Tiến, chị Quyên là điểm đến học tập kinh nghiệm cho nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo được sức hút và lan tỏa với các thanh niên.
Anh Bùi Hải Bằng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn đánh giá: “Nhiều mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp không ít hội viên, thanh niên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Một điều đáng ghi nhận ở thanh niên sau khi thoát nghèo là đã có các hình thức tương trợ hội viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ”.
Những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của thanh niên, nhất là vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp, nguồn nhân lực trẻ. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển. Các sở, ban, ngành luôn đồng hành, phối hợp với các cấp bộ Đoàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ vay vốn.
Ngày 28/11 vừa qua, Tỉnh đoàn Hải Dương, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh ra mắt Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương với 15 thành viên. Đây là nơi quy tụ, tập hợp thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, kết nối rộng rãi các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ, mô hình trang trại, làm kinh tế của thanh niên. Trước đó, nhiều câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi ở nhiều huyện, thị xã, thành phố đã được thành lập và duy trì phát triển.
Chị Hoàng Thị Hằng, Bí thư Thị đoàn Kinh Môn cho biết: “Các cơ sở Đoàn ở thị xã Kinh Môn luôn duy trì hiệu quả các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, mô hình thanh niên khởi nghiệp. Các hoạt động giúp thanh niên phát huy ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp".
Để tiếp lửa cho giấc mơ khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, tháng 10/2019, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của đề án là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường khởi nghiệp sôi động cho thanh niên. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến 23,5 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 hỗ trợ 10 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2022-2025 hỗ trợ 10 tỷ đồng. 3,5 tỷ đồng còn lại để tổ chức các hoạt động liên quan đến đề án.
Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương giải ngân nguồn vốn đề án được 18 tỷ đồng cho 248 dự án khởi nghiệp của thanh niên toàn tỉnh, qua đó nhằm hỗ trợ và khuyến khích các thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương.
Trong giai đoạn 2020-2022, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 130.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên; phối hợp tổ chức trên 310 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 15.800 thanh niên nông thôn.
Tháng 10/2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đã có buổi đối thoại với thanh niên về chủ đề “Thanh niên Hải Dương với khởi nghiệp, lập nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0”. Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị của thanh niên về chính sách liên quan đến việc triển khai các dự án khởi nghiệp đã được giải đáp. Thông qua chương trình đối thoại, cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành của tỉnh đối với thanh niên, luôn đặt niềm tin và hy vọng vào tầng lớp thanh niên Hải Dương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; kết nối thanh niên đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025 và tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu để nhân rộng và làm hạt nhân nòng cốt dẫn dắt phong trào thanh niên khởi nghiệp.
Nội dung: LINH LINH
Thiết kế: TUẤN ANH