Tạo môi trường để sinh viên phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng
Sáng 19/12, tại Hà Nội diễn ra phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, với sự tham dự của gần 700 đại biểu chính thức.
Dấu ấn để tạo đà cho nhiệm kỳ mới
Phát biểu chào mừng tại phiên trọng thể, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, với tinh thần “bản lĩnh, học tập, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, tổ chức Hội, hội viên, sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã ra sức phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật trong sinh viên và toàn xã hội.
Thành tựu đó góp phần khẳng định được vai trò, sứ mệnh tiên phong, kế thừa, phát triển sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong thời kỳ mới. Có thể khẳng định Hội Sinh viên Việt Nam đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Sinh viên Việt Nam phát triển cả về chất và lượng. Các cấp bộ Hội đã cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng, của Đoàn và Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, tình hình thực tiễn của sinh viên.
Hoạt động Hội Sinh viên đã linh hoạt, sáng tạo, thích ứng nhanh trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Phương thức và hình thức tổ chức các hoạt động Hội ngày càng đa dạng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Trong nhiệm kỳ qua, chương trình “Tiếp sức mùa thi” thành lập 4.107 đội nhóm “Tiếp sức mùa thi” với 252.043 lượt hội viên, sinh viên; Chiến dịch sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng với 7.999 đội hình, 292.110 sinh viên, hội viên tham gia; 1.489.204 hội viên, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Minh Triết băn khoăn về giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhóm sinh viên có biểu hiện thờ ơ về chính trị, thiếu động lực học tập và ý chí phấn đấu, có lối sống chưa tốt. Hội Sinh viên phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động như thế nào để ngày càng gần gũi với sinh viên, hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong học tập và cuộc sống, trong việc trang bị kỹ năng để có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động, khởi nghiệp. Làm thế nào để phong trào “Sinh viên 5 tốt” được sinh viên đón nhận rộng rãi hơn, được đánh giá, ghi nhận cao hơn bởi thị trường lao động và các cơ sở giáo dục.
Theo anh Nguyễn Minh Triết, các nhóm giải pháp nào cần tập trung để phát triển mạnh mẽ tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, tăng tỷ lệ tập hợp sinh viên, tham gia xây dựng Đoàn, xây dựng Đảng và góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tại phiên trọng thể, chị Hồ Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cũng nêu 8 nhóm hạn chế cơ bản như chất lượng phong trào sinh viên chưa được đảm bảo đồng đều tại các cơ sở. Mức độ tham gia phong trào của sinh viên năm cuối, sinh viên các trường cao đẳng, trường ngoài công lập chưa đạt kỳ vọng, tiềm năng.
Công tác kết nối, phát huy “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương chưa hiệu quả so với yêu cầu. Chưa đảm bảo chỉ tiêu về số lượng sinh viên 5 tốt cấp Trung ương và số lượng sinh viên tham gia ít nhất 5 ngày tình nguyện trong nhiệm kỳ.
Việc áp dụng chuyển đổi số trong phong trào sinh viên tuy được đẩy mạnh nhưng vẫn thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Việc triển khai các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của sinh viên ở một số cơ sở Hội còn thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của sinh viên. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên ở một số thời điểm, một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Việc thành lập tổ chức Hội Sinh viên còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn và chậm chuyển động so với yêu cầu thực tiễn. Việc duy trì sinh hoạt chi hội còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện học chế tín chỉ, học trực tuyến.
Công tác tham mưu, thực hiện Quyết định số 13 ngày 6/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện ở một số đơn vị.
Tiếp tục phát huy vai trò xung kích của sinh viên
Theo chị Hồ Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi phong trào sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên phải không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò xung kích sáng tạo của sinh viên.
Để thực hiện hiệu quả các nhóm nội dung, giải pháp nêu ra, Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X xác định thực hiện 3 đề án trọng tâm nhiệm kỳ, gồm: Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên; Đề án Chuyển đổi số các hoạt động Hội Sinh viên Việt Nam; Đề án Nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X đã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 cụ thể như: Khơi dậy mạnh mẽ trong sinh viên Việt Nam khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; khẳng định niềm tin của sinh viên đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng môi trường để sinh viên phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của sinh viên. Tổ chức thiết thực các hoạt động đồng hành, hỗ trợ, góp phần hình thành lớp sinh viên thời kỳ mới có bản lĩnh vững vàng, tri thức phong phú, ứng xử văn minh, khỏe về thể chất và tinh thần, có kỹ năng thực hành xã hội phù hợp với yêu cầu của thời đại khoa học công nghệ và chuyển đổi số, hướng đến các tiêu chí năng lực của công dân toàn cầu.
Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh toàn diện, nhất là về chính trị; là tổ chức của sinh viên, do sinh viên, vì sinh viên, đoàn kết, tập hợp rộng rãi sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Khẩu hiệu hành động: Sinh viên Việt Nam, Vững bản sắc - Giàu khát vọng - Kiến tạo tương lai - Dựng xây đất nước.
Một số vấn đề cơ bản trong xây dựng nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2023 – 2028 như tiếp tục triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức”, “Sinh viên rèn luyện thể chất”.
Trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội Sinh viên cũng chú trọng đẩy mạnh phong trào “Sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học”. Trong đó tiếp tục triển khai các giải pháp góp phần xây dựng môi trường học tập tích cực, thúc đẩy tâm thế chủ động học tập, ý thức học tập suốt đời, văn hoá đọc cho sinh viên. Xây dựng môi trường bồi dưỡng kỹ năng học tập, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức cho sinh viên. Xây dựng môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Đẩy mạnh việc “Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, triển khai các hoạt động tình nguyện đảm bảo tính rộng khắp, tính bền vững, tính hiệu quả, tính sáng tạo, trong đó, chú trọng lấy sinh viên là trung tâm, chủ thể của hoạt động.
Chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động tình nguyện theo hướng phát huy được tính chủ động, ý tưởng sáng tạo, chuyên môn của sinh viên. Gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện.
Thực hiện chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng). Kết nối, phát huy và định hướng các đội nhóm tình nguyện chưa thuộc tổ chức Hội.
“Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế”, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tâm thế chủ động hội nhập quốc tế trong sinh viên. Tổ chức các sân chơi, hoạt động giao lưu quốc tế, các “Ngày văn hóa” trong cộng đồng sinh viên.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động tạo môi trường để sinh viên thực hành ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập cho sinh viên. Khuyến khích sinh viên sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ và biết thêm ngoại ngữ khác.
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Sinh viên Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên để tổ chức Hội thật sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của sinh viên. Xây dựng các giải pháp đặc thù cho nhóm sinh viên tài năng, sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.