Môi trường

Việt Nam đạt cam kết giảm tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone

Theo Vietnam+ 19/12/2023 06:29

Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất gây suy giảm tầng ozone (HCFC) từ 3.600 tấn/năm xuống còn 2.600 tấn/năm trong giai đoạn 2020-2024.

tang-the-cuong-7857.jpg
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường chia sẻ tại hội thảo

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết qua 5 năm triển khai Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone giai đoạn II” (HPMP II), Việt Nam đã duy trì mức tiêu thụ cho phép dưới 2.600 tấn/năm, đáp ứng yêu cầu cam kết theo Nghị định thư Montreal.

Thông tin thêm tại Hội thảo tổng kết Dự án HPMP II do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 18/12, tại Hà Nội, ông Tăng Thế Cường cho hay Dự án HPMP II do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ, ủy thác WB quản lý, được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2018-2023.

Dự án hướng đến giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất gây suy giảm tầng ozone (HCFC) từ 3.600 tấn/năm xuống còn 2.600 tấn/năm trong giai đoạn 2020-2024 theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.

Trong giai đoạn 2018-2023 vừa qua, Dự án HPMP II đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quản lý, loại trừ các chất HCFC, tập trung vào các lĩnh vực, bao gồm: Điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh, sản xuất xốp cách nhiệt, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thiết bị lạnh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, loại trừ sử dụng các chất HCFC.

“Đến nay, Việt Nam đã đáp ứng cam kết giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở. Lượng nhập khẩu từ năm 2020 đều dưới 2.600 tấn/năm, qua đó đóng góp cho công tác bảo vệ tầng ozone ở Việt Nam cũng như thực hiện các mục tiêu tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal,” ông Cường nhấn mạnh.

Cụ thể, về loại trừ tiêu thụ Hydro Cloflocacbon - mã hóa học là HCFC-22 (ga lạnh R-22), ông Cường cho biết Dự án HPMP II đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí duy nhất của Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh chuyển đổi công nghệ không sử dụng ga R-22. Từ ngày 7/1/2022, Việt Nam đã cấm nhập khẩu điều hòa không khí sử dụng ga R-22.

Về loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b (xốp cách nhiệt sử dụng polyol trộn sẵn), Dự án HPMP II đã hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ sử dụng cyclo pentane. Từ ngày 7/1/2023, Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu chất HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.

nang luong xanh.jpg
Việt Nam đã duy trì mức tiêu thụ cho phép dưới 2.600 tấn/năm

Cùng với việc giảm 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trên, Việt Nam cũng đã giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ozone và tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp. Các công nghệ thay thế trong các lĩnh vực này đều là công nghệ không làm suy giảm tầng ozone, ít phát thải (cyclo pentane, NH3, CO2).

Thông qua Dự án HPMP II, trong 5 năm qua, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với các bên cũng đã tổ chức triển khai tập huấn cho 350 cán bộ hải quan về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát; đào tạo cho 188 giảng viên nguồn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 3.200 kỹ thuật viên về quản lý rò rỉ và nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí…

"Những kết quả trên có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của WB; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; các trường cao đẳng và trung cấp nghề đào tạo về kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí; các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi công nghệ đã quyết tâm vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 và những diễn biến của thực tiễn để triển khai kịp thời các hoạt động," ông Cường nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo đại diện Cục Biến đổi khí hậu, sau khi chuyển đổi công nghệ, có doanh nghiệp đã mở rộng và phát triển thị trường, xuất khẩu sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới sang các nước trong khu vực, bảo đảm được các tiêu chí môi trường và khí hậu. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tầng ozone dần được kiện toàn và bắt đầu đi vào cuộc sống.

Thông qua dự án trên, Cục Biến đổi khí hậu đã xây dựng và trình ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13334:2021 về xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy; yêu cầu về an toàn trong sản xuất áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt PU sử dụng chất trợ nở có tính cháy (Quyết định số 1500/QĐ-BKHCN ngày 8/6/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Cục Biến đổi khí hậu cũng đã xây dựng dự thảo chương trình đào tạo về thu hồi môi chất lạnh và phương pháp thực hành tốt để giảm rò rỉ môi chất lạnh ra môi trường gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, tích hợp vào công tác đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp…

Về phía đối tác, ông Ahmed Eiweida - Trưởng Ban phát triển bền vững (WB tại Việt Nam) nhấn mạnh Dự án HPMP II đã giúp nâng cao năng lực cho các bên liên quan đồng thời để lại nhiều bài học thực tiễn; đóng góp cho lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao HFC (môi chất lạnh nhân tạo) trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng nhau chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và Dự án HPMPII; định hướng triển khai Nghị định thư Montreal trong thời gian tới và các yêu cầu về quản lý nhà nước.

Theo Vietnam+