Vỡ mộng xuất khẩu lao động vì "công ty ma"Bài cuối: Làm gì để tránh mắc bẫy?
Cùng với sự chủ động đề phòng của người dân, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa để các gian thương, đối tượng “cò mồi” không thể lừa đảo những lao động có nhu cầu đi nước ngoài làm việc.
Người lao động phải tìm hiểu kỹ
Có người nhà đang làm việc khá ổn định ở Hàn Quốc, anh T.V.N. ở tỉnh Hải Dương rất muốn sang làm cùng để có thu nhập cao hơn công việc hiện tại. Tuy nhiên, vì không còn đủ tuổi lao động nên anh N. dự định sang Hàn Quốc du lịch rồi trốn ở lại lao động chui. Anh N. đã vay mượn tiền nhiều nơi để chứng minh tài chính, làm các thủ tục đi du lịch. Tuy nhiên, dù đã mất nửa năm xoay xở và vài chục triệu đồng thuê các đối tượng môi giới làm hồ sơ xin cấp visa nhưng anh N. đều bị Lãnh sự quán Hàn Quốc từ chối.
Thực tế cho thấy con đường xuất khẩu lao động luôn rộng mở nhưng không phải với tất cả mọi người. Nhu cầu lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… luôn có nhưng tùy từng vị trí công việc mà yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn rất khắt khe. Nếu người lao động không đủ điều kiện, năng lực đáp ứng với yêu cầu của các doanh nghiệp thì khả năng trúng tuyển rất thấp. Đặc biệt, với những người hoàn toàn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực thì gần như không thể đi xuất khẩu lao động. Một số rất ít người lao động được các công ty môi giới dùng các mánh khóe để hoàn thiện hồ sơ, đưa sang nước ngoài thì rủi ro cũng rất cao vì sẽ bị trả về nước do không đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo đại diện Công ty CP Lacoli, khi có ý định đi nước ngoài làm việc, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin các đơn hàng mà các công ty tuyển dụng, người môi giới đưa ra. Những thông tin cơ bản như doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu lao động trong nước, doanh nghiệp ở nước ngoài mà người lao động dự định sang làm việc… đều có thể kiểm tra trên internet, thậm chí kết nối trực tiếp với đối tác nước ngoài để xác minh.
Lấp lỗ hổng quản lý
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện chỉ có 4 đơn vị đủ điều kiện xuất khẩu lao động gồm các Công ty CP: Nhân lực Kiyokawa, Đầu tư du học và hợp tác quốc tế VTC1, Lacoli và chi nhánh Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Thanh Giang đều ở TP Hải Dương.
Thực tế cho thấy hoạt động môi giới, tư vấn cho người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài từ các cá nhân làm việc tự do, doanh nghiệp không có chức năng diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây. Anh N.V.T. ở thị tứ Phủ, xã Thái Học (Bình Giang) từng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản gần 10 năm. Khi về nước, anh T. làm dịch vụ tư vấn xuất khẩu lao động ngay tại nhà. Anh T. cũng thừa nhận công việc của anh chủ yếu là thu gom hồ sơ và nhận tiền “hoa hồng” rồi hướng dẫn người lao động đến doanh nghiệp làm các thủ tục tiếp theo chứ không trực tiếp đưa người lao động đi nước ngoài được và đi hay không là do công ty, người lao động tự biết.
Kết quả rà soát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tất cả các doanh nghiệp có dấu hiệu gian dối, lừa đảo người lao động đã nêu trong loạt bài này đều chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hằng năm, sở đều có kế hoạch làm việc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Trong hai năm 2022 và 2023, các đơn vị chức năng của sở đã làm việc với 39 tổ chức, cá nhân và kiểm tra 2 doanh nghiệp, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những hành vi chưa đúng. Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp quản lý 7 doanh nghiệp về tỉnh tuyển chọn lao động. “Để phòng ngừa rủi ro cho người dân từ hoạt động tư vấn, môi giới của những cá nhân làm việc tự do, doanh nghiệp không phép lén lút về địa phương tuyển dụng rất cần sự vào cuộc, nắm tình hình và kịp thời phối hợp xử lý của chính quyền các địa phương”, bà Bùi Thị Mai, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) kiến nghị.
Trao đổi với một số cơ quan công an trong tỉnh, được biết, việc thu thập thông tin, xác minh những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, gian dối liên quan đến xuất khẩu lao động thường rất khó khăn. Nguyên nhân do người lao động chủ yếu giao dịch với các doanh nghiệp không có trụ sở, chi nhánh trong tỉnh. Các vụ việc thường có yếu tố liên tỉnh, thậm chí liên quốc gia...
Nhiều vụ án có hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng phạm tội bị khởi tố thì người lao động cũng rất khó có thể lấy lại được tiền vì các doanh nghiệp, cá nhân đã dùng khoản tiền đó đầu tư thua lỗ, tiêu xài hết. “Có những trường hợp khi sang nước ngoài làm thì công việc cũng không như các đối tượng hứa hẹn, thậm chí người lao động còn bị gây khó khăn, cưỡng bức lao động đến nỗi phải liên hệ người thân gửi tiền sang để chuộc người về”, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về tệ nạn xã hội và buôn người, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khuyến cáo.
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, Hải Dương là một trong những địa phương có số người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng thuộc nhóm đầu của cả nước. Vì vậy, để giữ uy tín của tỉnh và bảo vệ quyền lợi của người lao động cần sớm có quy định cụ thể quản lý những người môi giới xuất khẩu lao động tự do; tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ không đúng chức năng, không được cấp phép đưa người lao động sang nước ngoài. Người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị, doanh nghiệp đưa mình đi làm việc ở nước ngoài, tránh bản thân chui vào “thòng lọng” lừa đảo do các “doanh nghiệp ma” giăng sẵn.