Bất cập trong xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ
Đến nay, vẫn chưa có vụ án nào bị xử lý hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là do Điều 192 của Bộ Luật hình sự (BLHS) chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ.
Đây là một trong những bất cập trong công tác đấu tranh, xử lý hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), trong bối cảnh vấn nạn buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam vẫn phức tạp.
Theo các cơ quan chức năng, đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo loại hình kinh doanh, gia công sản xuất xuất khẩu; doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo các loại hình tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, các tổ chức, cá nhân thường xuyên nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch các loại hàng hóa trọng điểm qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, hàng nhập khẩu kinh doanh qua các cửa khẩu đường bộ, cảng biển…
“Phương thức thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT là lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Đối với hàng hóa quá cảnh, các đối tượng lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản để không khai nhãn hiệu hàng hóa nhằm che giấu hành vi vận chuyển hàng giả mạo nhãn hiệu. Đối với hàng gửi kho ngoại quan, hành vi của các đối tượng là đưa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vào kho ngoại quan sau đó tìm cách xuất sang nước thứ 3 không loại trừ việc thẩm lậu từ kho ngoại quan vào nội địa tiêu thụ trái phép.
Đáng chú ý, ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, hiện nay, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung trong đó có hàng giả, hàng vi phạm SHTT, đặc biệt lợi dụng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.
Những địa bàn trọng điểm thường xảy ra các vụ việc vi phạm SHTT là tỉnh Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo), Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, Bình Phước, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trên thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong lĩnh vực hải quan vẫn còn những khó khăn. Thứ nhất, các quy định của pháp luật còn có vướng mắc, bất cập. Ví dụ, đối với việc xử lý hàng hoá xâm phạm quyền SHTT quá cảnh, xuất khẩu, cả Luật Hải quan và Luật SHTT có quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hoá theo 2 loại hình này...
Thứ hai, về xử lý hình sự liên quan đến SHTT chưa thực hiện được vụ nào vì theo Điều 192 của BLHS, chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về SHTT.
Thứ ba, trong việc sản xuất có dấu hiệu hàng giả, liên quan đến xuất khẩu, chỉ xử l theo Quy định tại Điều 12 Nghị định số: 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định thẩm quyền xử lý của lực lượng hải quan.
Thứ tư, các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền đôi lúc còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm.
Từ những bất cập nêu trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT, đại diện lãnh đạo Đội 4 - Cục Điều tra cống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm SHTT; bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp.