Gia đình

Cho con mượn "sổ đỏ"

NAM HỒNG 26/12/2023 08:00

Vợ chồng thằng Vượng đã nói ngon nói ngọt với ông bà để mượn "sổ đỏ" thế chấp ngân hàng.

gdxh-bhd-22.12.23-copy-28b40627dd5a7d579f4e70a2d31603df(1).jpg

Buổi tối, bà Thịnh đi tập văn nghệ ở khu, nghe người ta xì xèo to nhỏ: “Thằng Tiến đại gia, con nhà ông Tân vỡ nợ rồi, nghe đâu hàng trăm tỷ đồng cơ”. “Nó trốn rồi các bà ạ! Làng mình phen này ối đứa vỡ theo”. “Chẹp... chẹp... bất ngờ quá nhỉ, tưởng nhà đó giàu lắm, ăn ba đời chưa hết của cơ, thế mà lại trở về với cái máng lợn nhanh thế... Tham thì thâm, các cụ nói cấm có sai, các bà nhỉ? Có bà nào ở đây dính với nhà đó không?”. “Không hả? Thế thì may rồi! Chúng mình già cả, có đồng lương ít ỏi đề phòng ốm đâu, đỡ phiền hà con cháu, tiền đi liền với ruột, dại gì mà hùn vào với mấy đám làm ăn, ôm đất tưởng hốt được bạc của thiên hạ. Có mà mơ...”.

Bà Thịnh nghe ù hết cả tai, câu được câu mất. Bà biết thằng Vượng con trai bà chơi rất thân với thằng Tiến. Hai thằng còn hùn vốn làm ăn chung, chơi cả chứng khoán và mở công ty, nhà hàng để kinh doanh. Vợ chồng thằng Vượng đã nói ngon nói ngọt với ông bà nên ông bà cho con mượn "sổ đỏ" để thế chấp ngân hàng, vay tiền làm ăn từ mấy năm nay. Bà cũng biết nó đầu tư cùng thằng Tiến con nhà ông Tân. Nhà này nổi tiếng giàu có, thường xuyên công đức xây đền chùa ở quê và ủng hộ bà con nghèo mỗi khi Tết đến. Nó lấy lòng tin của người làng dễ quá.

Thấy con làm ăn khấm khá, mua được xe ô tô xịn, con trai một chiếc, con dâu một chiếc nên ông bà Thịnh mừng lắm, không tính toán hay nhắc đến chuyện đòi lại cái "sổ đỏ". Mỗi năm con trai và con dâu còn cho ông bà đi du lịch tận bãi biển ở miền Nam, đi máy bay, ăn nghỉ ở khách sạn năm sao, thế thì còn gì bằng. Cả xóm ghen tị với ông bà Thịnh vì ông bà cần đồ dùng gia dụng gì hiện đại là vợ chồng thằng Vượng mua cho ngay. Nhưng gần đây bà cũng thấy tính thằng Vượng khang khác, nó ít sang ăn cơm với bố mẹ, có đảo qua nhà cũng chỉ loáng một cái là lượn đi. Con dâu thì không thấy khoe đi nhà hàng liên hoan nhiều như trước nữa, thậm chí sinh nhật hai đứa cháu nội của bà mà bố mẹ nó cũng không tổ chức, chẳng bù cho mọi năm, chúng kéo nhau ra quán lẩu hải sản, mời dăm bảy mâm hoành tráng. Thôi rồi... khả năng con bà dính chung với thằng Tiến vụ “ôm đất” lắm.

Càng nghĩ, bà Thịnh càng rối hết cả đầu. Bà gắng tập vài lượt rồi xin về trước vì lý‎ do đau bụng nhưng kỳ thực lòng bà đang nóng như lửa đốt. Bà rẽ vào nhà con trai ở gần đấy để hỏi han tình hình cụ thể xem thế nào.

Con dâu bà đang nằm dài trên ghế salon lướt điện thoại. Bà bước vào khiến chị giật mình nhổm dậy, trách: “Mẹ làm con hết hồn, sao mẹ vào mà không lên tiếng? Hôm nay mẹ không đi tập văn nghệ à?”. Bà Thịnh kể lại đầu đuôi câu chuyện và hỏi thẳng con dâu: “Có đúng thằng Tiến vỡ nợ vì vụ ôm đất dự án ở miền Nam không? Vợ chồng chúng mày hùn hạp với nó bao nhiêu? Sổ đỏ của bố mẹ khi nào thì lấy về trả cho bố mẹ đây?”.

Con dâu quả quyết: “Mẹ đừng nghe thiên hạ đặt điều. Nhà Tiến giàu thế, vỡ nợ làm sao được. Còn "sổ đỏ" của mẹ thì chúng con mượn một thời gian nữa. Mẹ phải để tiền đẻ ra tiền chứ. Mẹ cứ yên tâm, chúng con sẽ trả bố mẹ cả gốc lẫn lãi”.

Bà Thịnh tạm yên lòng phần nào nhưng ngay hôm sau, con gái bà tất tưởi ở cơ quan về, ào đến, xông vào bếp nơi bà đang nấu cơm: “Mẹ biết chuyện gì chưa? Chuyện tày đình đấy. Nhà thằng Tiến vỡ nợ vì đầu tư bất động sản, tưởng dự án ngon ăn nhưng bị thu hồi, không thể trở thành hiện thực. Bao nhiêu người làng mình góp vốn chung đụng với nó, nhà nào nhiều thì hơn chục tỷ, ít cũng vài tỷ. Con giai quý tử của bố mẹ cắm cả hai cái "sổ đỏ" để hùn vốn vào đó đấy, đến mướt đời mới lấy lại được”. Bà Thịnh sửng sốt, không tin: “Đừng nghe thiên hạ đồn nhảm, mẹ hỏi vợ thằng Tiến rồi, nó bảo không phải thế đâu”. Con gái bà lắc đầu: “Bố mẹ cứ chờ xem, bao nhiêu lá đơn trình báo lên công an rồi, thằng Tiến cũng đưa vợ con trốn đi khỏi nhà rồi. Con dâu mẹ còn giấu mẹ cả chuyện vợ chồng nó chơi chứng khoán, mất mấy trăm triệu đấy. Mẹ cứ nhẹ dạ cả tin, có ngày... Thôi, con không nói nữa kẻo mẹ lại hoang mang, cùng lắm thì bố mẹ sang ở nhà con”.

Đúng lúc ấy, ông Thịnh đi họp cựu chiến binh về, mặt đỏ phừng phừng như kiểu huyết áp tăng cao. Bà Thịnh vội vàng lấy thuốc và nước cho ông uống. Ông thở hổn hển: “Nguy rồi... bà ạ! Thằng Vượng nhà mình... nó... nó... hùn vốn với thằng Tiến, cũng đến chục tỷ chứ chẳng ít. Người ta nói râm ran khắp nơi... Ối giời ơi, thế này làm đến bao giờ mới chuộc lại được "sổ đỏ" cái nhà này. Không cái dại nào như cái dại nào bà ạ...”.

Bà Thịnh xót lắm nhưng vẫn phải cố động viên ông Thịnh: “Thôi, ông ạ! Coi như của đi thay người, còn người là còn của. Các con cũng đâu có muốn thế, chúng có khát vọng làm giàu nhưng làm ăn gặp rủi ro thì mình cũng không trách được...”, bà nén tiếng thở dài. Nước mắt lưng tròng, cố nuốt vào trong, thầm nghĩ: “Không biết đến khi nào cái sổ đỏ của ông bà mới được chuộc về?”.

NAM HỒNG