Sự tinh tường của người mẹ giúp con thoát khỏi căn bệnh "thời hiện đại"
Cuộc sống càng phát triển, sự phụ thuộc vào công nghệ trong nuôi dạy con cái đã dẫn tới tỉ lệ trẻ bị tự kỷ tăng cao.
Khi Duyên sinh con được hơn 1 tuần thì dịch Covid-19 xảy ra, cả nước thực hiện cuộc phong tỏa "ai ở đâu thì ở nguyên đó". Thời điểm ấy, Duyên cũng như bao người khác chỉ biết ôm con quanh quẩn trong 4 bức tường nhà.
Chồng Duyên thuộc diện vẫn phải đi làm, tuy nhiên do lo cho sức khỏe của con, Duyên và chồng cũng không tiếp xúc ngay cả khi ở nhà.
Suốt hơn 1 tháng, khi lệnh phong tỏa được áp dụng, Duyên và cậu con trai bé nhỏ chỉ sinh hoạt trong căn phòng hơn 20m vuông. Mọi sinh hoạt cũng rất hạn chế gặp người xung quanh.
Đến khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, do vẫn còn khuyến cáo nên Duyên tự nhủ, cứ để con ở nhà, không dám đưa cậu bé xuống sân chơi. Ngày ngày, thay vì lời ru, câu chuyện kể thì cậu bé được "dỗ dành" bằng những bài hát, những clip trên Youtube.
Cậu bé dần "nghiện" xem ti vi, điện thoại. Mỗi lúc hờn, dỗi hay khi ăn, nếu không mở Youtube thì nhất quyết cậu không nghe, khóc to "váng nhà".
Khi con được hơn 1 tuổi, Duyên thi thoảng thấy con có điều gì đó hơi "bất thường". Đầu tiên là cu cậu chậm nói. Chuyện này cũng không lạ, các cụ vẫn bảo con trai chậm nói là bình thường. Nhưng với con Duyên, cháu rất ít nói, ngoài những tiếng "ê, a" không ra từ.
Thế là Duyên bắt đầu để ý tới con. Cô nhận ra, con không hay giao tiếp với mọi người, trừ mình. Khi cháu ngồi chơi, bất cứ ai gọi, cháu cũng không có phản ứng quay lại, kể cả Duyên. Lúc ấy, Duyên nghĩ hay con có vấn đề về tai. Cô nhờ bác sỹ đo thính lực, mọi chỉ số hoàn toàn bình thường.
Tuy thế, Duyên vẫn cảm nhận có điều "không ổn". Cô đem tâm sự chuyện này với mẹ chồng thì bị gạt phắt đi, bà mắng cô lo xa "cháu tao mặt khôi ngô thế kia, nó chẳng làm sao cả".
Khi con được 18 tháng, các biểu hiện của cu cậu vẫn vậy. Con đã biết đi nhưng thường kiễng chân. Duyên từng nghe bạn bè nói đấy là dấu hiệu thường thấy của những trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, Duyên lại nghĩ, con cô rất nghịch, sao một đưa trẻ tự kỷ lại nghịch như thế.
Duyên tiếp tục quan sát còn từng cử chỉ và nhận ra rằng, tuy cu cậu nghịch nhưng lại chỉ hứng thú với những vật có hình tròn, những đồ vật "đang quay".
Chưa kể, so với lứa tuổi, con Duyên phát triển chậm hơn hẳn. Cháu không giao tiếp bằng mắt hay bằng cử chỉ, chậm chí bằng biểu cảm với bất cứ ai. Cậu bé cứ lầm lũi chơi một mình, rất nhanh chán và không bao giờ để ý đến tiếng động hay bất cứ ai xung quanh, dù người đó có cố tình gây sự "chú ý".
Tới nước này, Duyên đã thực sự lo lắng. Cô cố gắng thuyết phục mẹ chồng đồng ý để cho con đi khám. Dù bực tức, nhưng mẹ chồng cô cuối cùng cũng chấp nhận.
Khi tiến hành làm các bài kiểm tra tại bệnh viện, Duyên nhận được kết luận của bác sỹ là con chị có những dấu hiệu điển hình của bệnh tự kỷ. Điều này có thể xuất phát từ việc khi mang thai, Duyên thường xuyên lo lắng, căng thẳng, cũng có thể do thời gian dài cháu được mẹ, bà cho xem và phụ thuộc vào ti vi, mạng xã hội…
Nghe xong, Duyên suy sụp. Tuy nhiên, các bác sỹ nói rằng họ dành lời khen cho sự tinh ý của cô. Bởi chính điều đó đã giúp Duyên phát hiện sớm những bất thường của con. Cháu mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, nên việc can thiệp sẽ thuận lợi, đem lại kết quả cao.
Hơn 1 năm sau đó, mỗi ngày Duyên đều cùng con đến gặp giáo viên "đặc biệt". Cậu bé tiến bộ từng ngày. Đến thời điểm hiện tại, con gần như một đưa trẻ bình thường. Nói năng tuy còn hơi vấp những đã tròn câu.
Cậu bé cũng biết "hòa đồng" với mọi người, phản ứng lại với các tác động xung quanh. Gần đây nhất, khi Duyên đi làm về, cô mừng rơi nước mắt khi cậu bé nghe thấy tiếng chân mẹ đã vứt bỏ đống đồ chơi, lao ra cửa ôm chầm lấy Duyên, miệng gọi mẹ và cười tíu tít.
Niềm vui đã trở lại, nỗi lo lắng dần tan đi trong tâm hồn Duyên. Điều đó có được chính nhờ sự quan sát và nhạy cảm của người mẹ với con mình.