Thế giới

Âu lo phía sau màu xanh đồng cỏ nuôi cừu, bò ở New Zealand

NGUYỄN TRI THỨC 15/02/2024 09:00

Xưa nay, nhắc đến New Zealand, nhiều người nghĩ ngay đến nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi cừu, bò.

bhd_baotet_khamphanewzealand_4.jpg
Thời cao điểm, năm 1982, New Zealand nuôi tới 70 triệu con cừu

1. Đến Thủ đô Wellington của New Zealand đúng vào rạng sáng chủ nhật thượng tuần tháng 11/2023, chúng tôi tranh thủ chợp mắt để sáng muộn còn kịp đi tham quan đất nước thanh bình, xinh đẹp, lộng gió này. Thủ đô Wellington vẫn nhấp nhô nhà trên núi như hồi tôi đến hơn 5 năm về trước. Phố phường vẫn sạch tinh tươm, không ồn ào còi xe inh tai nhức óc như xưa. Qua khỏi thủ đô, ngay lập tức là thấy xanh mướt mát núi đồi, ruộng đồng mênh mông bát ngát. Con đường bé nhỏ 2 làn xe bằng phẳng thẳng tít tắp dọc đường cây cối xum xuê xanh tươi cổ thụ, lốm đốm những sắc màu hoa cỏ pha trộn làm nhấn nhá các núi đồi rừng nguyên sinh, những cung đường bằng phẳng, uốn lượn quanh co. Có những đoạn là nối nhau những vạt hoa dại rực rỡ sắc màu vàng, đỏ, tím, hồng, trắng... nổi bật điểm xuyết khung cảnh hai bên đường.

bhd_baotet_khamphanewzealand_1.jpg
Bà Suzannah Jessep, Giám đốc Chương trình nghiên cứu và kết nối, Quỹ Châu Á New Zealand

Trương Uy Vũ - cậu lái xe người Việt đã sang New Zealand định cư được gần 15 năm - thông thạo đường sá, hiểu biết khá sâu sắc về đảo quốc nằm ở phía tây nam của Thái Bình Dương dẫn chúng tôi đi ngắm cảnh làng quê thanh bình, qua Rặng Remutaka đến Martinborough - một trong những vùng rượu vang hàng đầu của New Zealand.

bhd_baotet_khamphanewzealand_5.jpg
Nông thôn thanh bình, mướt xanh ở New Zealand

Dọc đường, những đặc sản của New Zealand như những cánh đồng nho bạt ngàn, những vườn nho cổ thụ của vùng rượu vang nức tiếng; những trang trại chăn nuôi bò, cừu đầy mê hoặc, quyến rũ. Rồi chúng tôi cũng đến làng chài Ngawi bé nhỏ nằm cách Cape Palliser - điểm cực Nam của Đảo Bắc - chừng 5 km. Thời gian gấp gáp, chúng tôi đi khoảng 140 km không phải để thăm thú các vườn nho, thưởng thức rượu vang, chocolate đặc sản hay ghé những điểm đến nổi tiếng, làng chài bé nhỏ, vùng nông thôn trù phú, yên bình, tĩnh tại mà chỉ làm được một việc duy nhất là ngắm nhìn, trêu đùa đàn hải cẩu tự nhiên dạn người leo lên cả những bãi đá, vạt cỏ sát mép đường. Thậm chí, khi có người mạnh dạn trêu đùa, có con hải cẩu già còn dạn dĩ gầm gừ, đuổi theo người định tấn công. Cất công là thế, nhưng chúng tôi không chỉ có được những giây phút thảnh thơi, vui vẻ, sảng khoái, mà còn những cảm giác khó tả dọc đường trở về...

Bà Suzannah Jessep, Giám đốc Chương trình nghiên cứu và kết nối, Quỹ Châu Á New Zealand cho rằng, thời gian qua mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand có nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng hợp tác, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào ngày 22/7/2020. Ngoài mối quan hệ hiệu quả, tích cực trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, hy vọng thời gian tới 2 nước sẽ mở rộng quan hệ hợp tác sang các lĩnh vực khác như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, môi trường, biển - đại dương...

2. Dọc đường trở lại Thủ đô Wellington lộng gió, bớt háo hức về điểm đến xa xôi với đàn hải cẩu tự nhiên dạn người, chúng tôi đi chậm rãi, nhẩn nha ngắm cảnh nông thôn trong lành, xanh mát. Cuối tháng 11, New Zealand đang cuối xuân đầu hạ. Những đồng cỏ chăn nuôi bò bát ngát tít tắp tầm mắt hoặc rực rỡ màu vàng hoa cỏ. Những cánh đồng hoa vàng cỏ xanh mênh mông, rộng dài ấy đã già, bò không ăn nữa, người dân chuẩn bị thay thế lứa cỏ mới. Thi thoảng, nhấn nhá trong đồng cỏ là những dãy máy tưới nước, dinh dưỡng tự động; những hàng rào cây thẳng tắp, bằng chặn ngăn cách các trang trại; những đàn bò, cừu nhẩn nha gặm cỏ, ườn mình nằm thảnh thơi hay vui đùa nghịch ngợm. Chúng tôi dừng xe bên cạnh một trang trại sát đường có nhiều cừu. Thấy người lạ xuống, lũ cừu nháo nhác theo nhau chạy ra phía xa xa. Vũ hỏi chúng tôi: "Các anh chị có biết người dân New Zealand khi muốn lùa cừu để thu hoạch lông thì sẽ dùng biện pháp gì không?". Không đợi chúng tôi suy ngẫm trả lời, Vũ mau mắn bảo rằng người dân dùng chó chăn cừu. Chó có loại được huấn luyện vừa lùa cừu vừa sủa, hoặc chỉ lùa không. Sức người đâu có thể trước nhung nhúc đàn cừu, mênh mông đồng cỏ.

bhd_baotet_khamphanewzealand_3.jpg
Những chú hải cẩu dạn người ở New Zealand

Đặc biệt khi số dân của New Zealand thua xa số lượng cừu các loại. Đơn giản thôi, bởi đảo quốc này có khí hậu, địa hình, đất đai rất hợp cho chăn nuôi nói chung, nuôi cừu lấy thịt, lấy lông nói riêng. Thời cao điểm, năm 1982, New Zealand nuôi tới 70 triệu con cừu.

Năm 2023, số lượng cừu tụt xuống thấp kỷ lục trong vòng 173 năm qua, kể từ năm 1850, chỉ còn khoảng 26 triệu con, nhưng vẫn là rất lớn. Nguyên nhân khiến số lượng đàn cừu giảm mạnh là do thị trường len quốc tế suy giảm kéo dài trong khi lâm nghiệp lại cho giá trị kinh tế cao hơn.

bhd_baotet_khamphanewzealand_2.jpg
Thế mạnh chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung đã làm nên thương hiệu New Zealand trên toàn thế giới. Quốc đảo xinh đẹp nuôi tới 26 triệu con cừu

Xin lấy ví dụ cụ thể: Trong thập niên qua, giá xuất khẩu trung bình đối với len New Zealand giảm gần 50%, từ 6,74 USD/kg xuống còn 3,77 USD/kg. Thêm vào đó, New Zealand còn sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới buộc người nông dân phải trả tiền cho lượng khí thải, chủ yếu là khí methane, từ hoạt động chăn nuôi, nếu áp dụng vào năm 2025. Vì thế, ngày càng có nhiều nông dân rao bán trang trại, chuyển đổi sang nghề lâm nghiệp. Một báo cáo độc lập công bố năm 2022 bởi nhóm vận động ủng hộ nông dân nuôi bò và cừu cho thấy, 175.000ha trang trại cừu và bò đã được bán với mục đích chuyển đổi sang lâm nghiệp kể từ năm 2017.

Ngoài cừu, bò cũng được nuôi nhiều ở New Zealand, kể cả bò sữa và bò lấy thịt. Tuy số lượng cũng giảm, nhưng hiện quốc đảo này vẫn có khoảng 10 triệu con bò... Sữa, thịt bò New Zealand nổi tiếng trên toàn thế giới, với chất lượng vượt trội nhờ ăn cỏ tự nhiên. Các sản phẩm từ sữa bò New Zealand luôn được đánh giá cao, được ưa chuộng, nhất là tại Trung Quốc, Việt Nam... Các khu vực chính chăn nuôi bò sữa là Waikato, Taranaki, Southland, Northland, Horowhenua, Manawatu và Westland.

Lần giở lịch sử, các nhà máy chế biến sữa đầu tiên ở quốc đảo này đã được xây dựng, đi vào hoạt động từ những năm 1880. Đến năm 1893, những máy vắt sữa đầu tiên được đưa vào sử dụng. Năm 1920, đã có 600 nhà máy sản xuất sữa khắp đất nước. Hiện nay, Fonterra là công ty sữa lớn nhất New Zealand, cung cấp khoảng 95% lượng sữa cho cả nước. New Zealand sản xuất hơn 100 loại sản phẩm từ sữa, kể cả sữa nguyên kem, bơ, phô mai, sữa bột và bơ.

Hiện nay, do những nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự suy giảm số lượng đàn cừu, bò, nhưng chăn nuôi vẫn là ngành kinh tế quan trọng của New Zealand. Các sản phẩm đa dạng từ cừu, bò của New Zealand vẫn vang danh thế giới, rất được ưa chuộng. Và dọc các vùng nông thôn yên bình, tĩnh tại ở New Zealand, chúng ta vẫn rất dễ dàng bắt gặp những cánh đồng cỏ xanh mướt mát nhung nhúc những đàn cừu lông trắng đục bụi bặm bết bát nhút nhát hiền lành; những đàn bò lốm đốm sắc màu trắng đen béo núc ních, căng tràn bầu sữa. Thế mạnh chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung đã làm nên thương hiệu New Zealand trên toàn thế giới sao dễ dàng đánh mất...

NGUYỄN TRI THỨC