Ngày xuân nghĩ về cái “tôi” và cái “chúng ta”
Xuân Giáp Thìn đang tới. Thời tiết đổi thay, cây lá đổi thay. Nhưng những quy luật, phạm trù thì không thay đổi. Có chăng chỉ là nhận thức của con người về nó ngày càng sâu sắc, tiếp cận gần hơn tới chân lý.
Tôi có ông bạn già vốn là “dân triết học” thường hay suy tư chuyện thế sự. Khi nói tới mấy vụ đại án kéo dài, càng điều tra thì càng lòi ra những cái kim trong bọc, ông cho rằng, do chỗ lợi ích nhóm và nhóm lợi ích cả thôi. Rồi lại nói tới những tranh luận chưa dứt về cá nhân và tập thể, về những vụ quan tham ăn hối lộ tiền tỷ mà vẫn nghĩ là món quà “chính đáng”(!).
Nhưng trước hết, nhà triết học trầm ngâm, nói gì thì nói cũng phải trở về cái gốc đó là cái “tôi” và cái “chúng ta”. Nhầm lẫn chỗ này sẽ sinh ra bao chuyện phiền toái và lắm khi càng bàn càng rối, từ cực nọ lại sang cực kia. Chẳng hạn khi nói tôn trọng ý kiến, quyết định cá nhân thì có sa vào độc đoán, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ không? Hay khi nói, phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích tập thể thì khái niệm “cộng đồng” và “nhóm” có nhập nhằng hay không? Một cán bộ thoái hóa biến chất tay trót nhúng chàm vì sa vào nhóm lợi ích bất minh, quyết định đầu tư, phân phối lợi nhuận đều lấy tiêu chí là người nhà, người thân, nhưng anh ta vẫn “cãi”, tôi lo cho đời sống của cả nghìn người đấy chứ. Nhìn lại mấy vụ án lớn như AVG, Việt Á, Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… thì thấy, có những bị cáo đứng trước tòa vẫn khăng khăng, tôi vẫn tin mình làm đúng theo quy định, theo điều lệ. Dã man nhất, kinh hoàng nhất là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch. Trong vòng 4 năm, Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 304.000 tỷ đồng. “Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” có tới hơn 1.000 doanh nghiệp, chia làm 4 nhóm chính, trong đó có “nhóm các công ty ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài. Các đàn em thân tín của Lan làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được trả lương cao nhất tới 500 triệu đồng/tháng.
Trong những vụ việc tham nhũng lắm chiêu nhiều trò, vượt xa trí tưởng tượng của các nhà sáng tác, cái “tôi” và cái “chúng ta” đứng ở đâu? Đây là phân tích của ông bạn vốn giàu lưng vốn chữ nghĩa và thực tiễn: Cái “tôi” có trước, nó chứa đựng mọi thứ, nó là điểm bắt đầu của mọi quá trình xã hội. Còn cái “chúng ta” thể hiện tầm vóc của cái “tôi”, nhưng không thể thay thế cái “tôi” được. Các nhà hiền triết phương Đông cho rằng, con người muốn hạnh phúc thì nên quên cái tôi của mình để hòa nhập với cái tôi lớn lao hơn, tạm gọi là “Thái cực”. Cái lớn lao hơn ấy ở trên đỉnh trời nhưng không cao, ở dưới đáy đất nhưng không sâu. Nó có trước trời đất, nhưng không xưa. Nó cổ hơn ngày xưa, nhưng không già.
Vậy là từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, cái tôi bản ngã, chính đáng luôn luôn được tôn trọng. Cái gì thuộc về con người, những ước mơ, khát vọng chính đáng đều cần được tạo điều kiện, bảo vệ tối đa. Đương nhiên, nhấn mạnh hai chữ chính đáng, tức là nó đặt trong mối quan hệ máu thịt với cái chúng ta, lợi ích của tôi, hạnh phúc của tôi không phương hại tới hạnh phúc của mỗi người. Nhận thức như vậy là người hiểu biết vậy. Khi tự hiểu biết mình, chính là bước đầu của trí tuệ. Khi cái tôi của ai càng nhỏ thì tấm lòng người đó càng lớn.
Nhưng vì sao không ít người, nhất là những người có chức có quyền lại thổi phồng cái tôi lên quá mức? Trong cái tôi ấy chứa đủ tham, sân, si. Cái tôi quá lớn đã giam cầm họ trong nhà tù của sự kiêu căng, tự mãn, nhìn vào đâu cũng chỉ thấy hình bóng của mình. Ngày nay chúng ta thường nói, họ đã sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, một căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ rất sớm. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết tháng 10/1947, Bác chỉ ra 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Đó là tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, địa phương, óc lãnh tụ, “hữu danh, vô thực”, “kéo bè, kéo cánh”, lười biếng, tị nạnh, “xu nịnh, a dua”. Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Những điều Bác nói cách đây gần 80 năm vẫn nóng hổi tính thời sự. Đảng ta trong các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII và XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chỉ rõ các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa để làm trong sạch mình trước, để tập thể chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đó là cái tôi nhìn từ phía sáng, tạo nên nguồn sáng lâu bền trong quá trình xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị - một vấn đề cốt lõi trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nói tự soi, tự sửa không phải là “sách vở” mà là cách nói mộc mạc nhất, là cách để “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây tổn hại lớn đến thanh danh và uy tín của Đảng và suy cho cùng đó chính là sự suy thoái về văn hóa trong Đảng.
Thấy rõ bệnh rồi thì phải chữa bệnh. Không để những lợi ích riêng phủ bóng lên lợi ích chung. Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vẹo. Phải chống các căn bệnh cố hữu trong Đảng và những căn bệnh mới xuất hiện, do tác động mặt trái của kinh tế thị trường - căn bệnh có tên chung là suy thoái, tiêu cực. Suy thoái ấy thể hiện ở những người quá đam mê quyền lực, coi cái ghế là lẽ sống, bởi khi có quyền thì được hành và có quyền thì có tiền. Suy thoái ấy thể hiện ở những ai đó trọng danh hơn thực, trọng chức hơn chuyên, chạy theo bằng cấp, danh hiệu bằng mọi giá, điều người xưa từng khuyên: Hãy như con ong chăm chỉ làm mật, đừng như con bướm lòe loẹt luôn nghĩ rằng những bông hoa kia còn nợ chúng lời cảm ơn. Suy thoái ấy thể hiện ở đủ thứ “sân sau”, mỗi ông “quan” có vài ba đệ tử lượn lờ chạy dự án, đánh quả, lo trả cho ông món “hoa hồng” béo bở, đủ trả lương tháng cho hàng trăm, hàng nghìn người lao động.
Đảng ta đã chỉ rõ những căn bệnh ấy, từ khi còn là mầm bệnh. Đảng từng bước "luật hóa" Điều lệ, chủ trương, giải pháp thành những quy định cụ thể. Gần đây nhất là Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát, đặng giữ cho đội ngũ những người làm công tác cán bộ luôn trong sạch, chính trực. Vẫn biết không có pháp luật nào, quy chế, quy định nào phủ kín mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nhưng ít nhất đó cũng là căn cứ để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và xử lý; để khi tiến hành tự phê bình, phê bình mọi người có căn cứ, chống thói vuốt ve, xu nịnh, thành tích thì nhận về “tôi”, khuyết điểm thì tại “chúng ta”.
Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu sẽ xây dựng nên chi bộ, đảng bộ mạnh. Đảng ta sẽ ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là “đạo đức, văn minh”. Người tử tế như lòng tốt quên mình như bóng mát, như ánh sáng, khí trời. Giống như mùa xuân đến bắt đầu từ những làn gió ấm, từ mây nõn và những mầm xanh non tơ.