Đừng để lương giáo viên vẫn là điều "sẽ tiếp tục đề xuất"
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, có một khoảng lặng chắc chắn khiến nhiều người phải suy tư.
Đó là một phút tâm sự của cô giáo phải viết đơn xin nghỉ việc được phát trong video điểm lại những việc đã làm của ngành giáo dục.
Cô giáo giọng nghẹn ngào kể giây phút đặt bút ký vào lá đơn xin nghỉ việc, chia tay với nghề dạy học mà cô từng ước mơ, gắn bó. Tâm sự của cô giáo cũng là nỗi niềm chung của nhiều giáo viên khi quyết định rời bục giảng.
Nhiều người trong số đó ra đi vì chán nản, nhiều người khác vẫn còn lưu luyến, còn lửa nghề trong lòng nhưng vẫn phải chia tay vì thu nhập không đủ sống và áp lực quá lớn khiến cuộc sống của họ không còn niềm vui, hạnh phúc.
Năm 2021 - 2022, ngay sau đại dịch COVID-19, có 16.200 giáo viên nghỉ việc, chuyển ra khỏi ngành, trong đó có tới 10.400 giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập. Một trong những lý do được mổ xẻ khi đó là "do đại dịch".
Nhưng khi dịch đã kiểm soát được, làn sóng giáo viên bỏ việc vẫn không dừng lại. Năm 2022 - 2023, thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết cả nước có trên 18.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc, trong đó số còn tuổi lao động mà xin nghỉ là 9.300. Chỉ tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc.
Trong khi đó, ngành GD-ĐT đang căng mình thực hiện cuộc đổi mới, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và để đáp ứng yêu cầu, cả nước còn thiếu đến trên 110.000 giáo viên các cấp.
Lương giáo viên quá thấp, áp lực công việc quá lớn là khó khăn ngăn cản việc thu hút những người trẻ vào học sư phạm và giữ chân các thầy cô giáo ở lại với nghề.
Khi Nghị quyết 29/NQ-TW được thực hiện vào năm 2013, vấn đề đưa lương giáo viên lên vị trí cao nhất ở thang bậc lương đã được đặt ra. Việc này nằm trong điều kiện cần để bảo đảm có một đội ngũ đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhưng sau 10 năm, lương giáo viên vẫn thấp. Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đề xuất, phối hợp để cởi bỏ những thủ tục không hợp lý, tạo thuận lợi cho việc ghi nhận, đáp ứng quyền lợi chính đáng của nhà giáo.
Nhưng vấn đề cốt yếu vẫn chưa giải quyết được, giáo viên không sống đủ với mức thu nhập bao gồm cả lương và các loại phụ cấp. Nhiều giáo viên chỉ nhận mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng và phải làm việc hơn mức quy định tám tiếng/ngày.
Năm 2006, khi mới nhậm chức bộ trưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng thời đó, đã có một lời hứa sẽ đề xuất để hiện thực hóa việc "nhà giáo sống được bằng lương". Nhiệm kỳ bộ trưởng kế tiếp, 2010 - 2016, ông Phạm Vũ Luận tiếp tục phát biểu "xin chia sẻ với những khó khăn" của giáo viên.
Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kéo dài từ năm 2016 - 2021. Và trong một phát biểu năm 2017, ông Nhạ cũng có lời hứa "sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên".
Ông nhấn mạnh sẽ làm việc với các bộ liên quan để thống nhất vấn đề lương giáo viên, góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW.
Và tới hôm nay, khi Nghị quyết 29/NQ-TW đi được 10 năm, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng sắp đi hết một vòng từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng vấn đề lương giáo viên vẫn là điều "sẽ tiếp tục đề xuất", nêu trong hội nghị tổng kết vừa qua.