4 loại rau củ nhiều ký sinh trùng nhưng hay được ăn sống
Rau đại diện cho dinh dưỡng và sức khỏe với đa dạng cách chế biến thậm chí có thể ăn sống nhưng có nhiều loại rau không thể ăn sống bừa bãi.
Lý do vì có một số loại rau sống trong môi trường đặc biệt. Trong quá trình sinh trưởng chúng thu hút sâu bọ, bùn đất, ký sinh trùng. Nếu ăn sống và chưa được rửa sạch, ký sinh trùng có thể xâm nhập cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là 4 loại rau chứa nhiều ký sinh trùng nhất và bạn hãy cẩn thận khi ăn sống.
Xà lách
Xà lách, rau diếp là nguồn chất xơ dồi dào và giàu vitamin tốt cho cơ thể. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những cây xà lách cuộn tròn hay rau diếp sinh trưởng sát mặt đất và cách bón phân, tưới nước không an toàn lớn lên dễ nhiễm ký sinh trùng.
Trong nghiên cứu năm 2012 của Brazil cho thấy dù trồng rau diếp bằng cách truyền thống, hữu cơ hay thủy canh, đều cho thấy mức độ đáng lo ngại của các sinh vật có khả năng gây bệnh, bao gồm coliform chịu nhiệt và ký sinh trùng đường ruột.
Rửa và khử trùng rau trước khi tiêu thụ, bất kể chúng được trồng bằng cách nào là biện pháp duy nhất để giảm nguy cơ ô nhiễm ở các loại rau ăn lá như rau diếp.
Nên hạn chế ăn sống xà lách. Lúc ăn, nên ngâm rửa kỹ. Nên nấu, chần tái thay cho cách ăn sống. Ngoài ra, bản thân xà lách, rau diếp cũng chứa một lượng axit oxalic nhất định, bạn vẫn nên chần qua nước sôi trước để dễ hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
Củ niễng
Củ niễng vốn là một cây lương thực sinh trưởng trong vùng đất ngập nước. Do bị nhiễm nấm than khiến cây không ra hoa mà thân phình ra, được sử dụng làm rau ăn ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 10. Tại Việt Nam, củ niễng nhiễm nấm này được gọi là cây cái, là một đặc sản chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đồng thời còn được dùng như một vị thuốc đông y.
Tuy nhiên, không nên ăn sống củ niễng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những loài sống dưới nước lâu năm rất dễ nhiễm sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski) - một loại ký sinh trùng thủy sinh phổ biến xâm nhập vào cơ thể con người và thường cư trú ở ruột non. Ngoài ra, củ niễng còn nhiều axit oxalic - một chất có thể lắng đọng thành sỏi thận hoặc kết hợp với caxi, magie làm cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, nên cần chần qua trước khi nấu.
Củ sen
Mùa thu đông nên ăn củ sen bởi giá trị dinh dưỡng cao. Một số người thích ăn sống củ sen tươi vì cho rằng chúng có vị ngọt, mọng nước, giòn. Điều này là không nên.
Vì là cây thủy sinh, sống ở vùng nước dễ bị ô nhiễm, nên bên ngoài củ sen thường bị dính ấu trùng của trùng lát gừng. Các ấu trùng này khó rửa sạch hoàn toàn. Ngoài ra, bên trong củ sen có nhiều lỗ hổng sẽ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng sinh sôi. Vì thế trước khi ăn phải gọt vỏ, rửa sạch rồi luộc, xào, hấp để bảo đảm vệ sinh ăn uống.
Củ mã thầy
Củ mã thầy hay còn gọi là hạt dẻ nước rất giàu dinh dưỡng, ăn vào có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Chúng giòn, ngọt và mọng nước nên được nhiều người ưa thích ăn như một loại trái cây.
Tuy nhiên phần lớn củ mã thầy được trồng trên ruộng lúa hoặc vùng đất bùn ẩm, nhiều ký sinh trùng bám vào vỏ. Nhiều người nghĩ chỉ cần rửa sạch củ, gặm vỏ ngoài cũng chẳng sao, nhưng làm như vậy rất dễ nuốt phải ấu trùng giun.
Ngoài ra, loại củ này sinh trưởng trong bùn đất nên có thể bị sán lá gan ký sinh. Khi ăn sống, nang trùng sán lá sẽ đi vào ruột, sau vài ba tháng sẽ khiến người ăn mắc bệnh. Người bị sán lá nặng có biểu hiện mệt mỏi, suy dinh dưỡng, da khô. Nếu quá nhiều sán còn có thể bị kết ruột, nguy hiểm tính mạng. Cho nên, để ăn loại củ này cần gọt kỹ vỏ trước khi ăn. Có thể mang nấu canh hoặc luộc chín làm salad.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Trường Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, không nên ngừng ăn sống một loại thực phẩm nào đó vì lo sợ nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Những mối nguy hiểm này có thể dễ dàng bị loại bỏ bằng cách rửa sạch đúng cách, vệ sinh tay và các dụng cụ cắt, hộp đựng.
Cách làm đúng được các chuyên gia khuyên là rửa dưới vòi nước chảy. Rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy, dùng ngón tay vuốt dọc lá là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất vẫn còn bám trên rau. Giun sán, ký sinh trùng thường bám ở lá rau, vỏ các loại củ và cần phải có lực đẩy nhất định mới bật ra được. Đừng tiết kiệm nước và sợ nát rau nếu muốn rửa sạch ký sinh trùng.