1.000 nghệ nhân, diễn viên sẽ đồng diễn nghệ thuật khèn Mông tại Yên Bái
Ngày 23/12 sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023...
Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật Khèn Mông; nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) và khai mạc Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023 sẽ khai mạc vào 20 giờ ngày 23/12/2023 tại Sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải, với nhiều hoạt động phong phú, giàu bản sắc văn hóa.
Trong đêm khai mạc sẽ diễn ra chương trình "Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông" với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn có sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được triển khai theo đúng kế hoạch. Địa điểm tổ chức sự kiện là sân vận động huyện đã được chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bố trí 1.200 chỗ ngồi cho người dân và du khách. Bên cạnh đó, địa phương đã liên hệ với Công ty cổ phần Du lịch và Thể thao Viên Nam thống nhất các nội dung sẵn sàng thực hiện hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ.
Ngoài hoạt động chính trong lễ khai mạc, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức các sự kiện phụ trợ như: diễu diễn đường phố; tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của người Mông; hội thi múa khèn; trải nghiệm giã bánh dày; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ… Huyện Mù Cang Chải huy động 200 học sinh tham gia vào chương trình văn nghệ; đồng thời, thống nhất với UBND huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn về các nội dung chương trình diễu diễn.
Theo bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, nghệ thuật khèn Mông và dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là nguồn động viên lớn cho người dân, nhất là người Mông; đồng thời bồi đắp thêm niềm tự hào của người dân nơi đây đối với bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, từ đó tiếp tục gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa này.
Mù Cang Chải - nơi có những thửa ruộng bậc thang trải khắp như những nấc thang bắc tới chân trời đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Đến với Mù Cang Chải trong dịp này, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa dân tộc Mông, không gian chợ phiên để cảm nhận được nét đẹp văn hóa riêng biệt cùng những phong tục, tập quán của người dân địa phương; chiêm ngưỡng sự khéo léo của các nghệ nhân, người dân trong chế tác khèn Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải…
Ngoài ra, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ sắc hồng của hoa Tớ Dày. Đây loài hoa thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Với đặc thù thời tiết càng lạnh hoa nở càng đẹp, loại hoa rừng thuộc họ hoa đào được người Mông ở Mù Cang Chải gọi là "Pằng Tớ Dày" dịch theo nghĩa tiếng Việt là "hoa đào rừng". Hoa thường nở vào gần cuối tháng 12, trước hoa đào khoảng một tháng.
Việc tổ chức Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa nghệ thuật khèn của người Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm giới thiệu, tôn vinh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Tây Bắc.